DỊCH VỤ CÔNG


TÌNH HÌNH
XỬ LÝ


HỎI ĐÁP

TIN TỨC
Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh

Giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ được xác định là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài, mang tính chiến lược trong phát triển giáo dục nói riêng và phát triển đất nước nói chung. Qua đó góp phần định hình, phát huy những phẩm chất cần thiết, tốt đẹp của nhân cách con người cho mỗi học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Những mô hình sáng tạo, hiệu quả

Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” nêu rõ mục tiêu tổng quát của giáo dục và đào tạo là giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả.

Bám sát nội dung, mục tiêu của Nghị quyết, trong thời gian qua, ngành giáo dục tỉnh đã có nhiều giải pháp sáng tạo, phù hợp, từng bước tạo chuyển biến tích cực trong công tác giáo dục, đào tạo, đặc biệt quan tâm, chú trọng nhiệm vụ giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.


Học sinh trường THCS Bãi Cháy cùng nhau tìm hiểu các nội dung về phòng, chống bạo lực học đường.

Tìm hiểu tại trường THCS Bãi Cháy (TP Hạ Long), công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho giáo viên và học sinh được nhà trường thực hiện và duy trì thường xuyên hiệu quả. Không chỉ triển khai đồng bộ việc lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trong các bộ môn văn hóa, nhà trường còn đẩy mạnh tổ chức các hoạt động, mô hình, phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” để thu hút học sinh tham gia, rèn luyện.

Cô giáo Nguyễn Kim Ngọc, Hiệu phó trường THCS Bãi Cháy, chia sẻ: Tại nhà trường, hoạt động “Giờ chào cờ bổ ích” với hình thức sân khấu hóa tuyên truyền về các chủ đề phòng, chống bạo lực học đường, nâng cao văn hóa giao tiếp, ứng xử; tuyên truyền về an toàn giao thông; tuyên truyền ngày pháp luật; cách sử dụng mạng xã hội an toàn... được duy trì đều đặn hằng tuần. Cùng với đó, các buổi sinh hoạt nói chuyện chuyên đề, tọa đàm về việc hình thành, rèn luyện đạo đức, lối sống cho học sinh được tổ chức thường xuyên tại mỗi lớp học và trường học. Ngoài ra, các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm, tham quan các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ trên địa bàn thành phố cũng được nhà trường đẩy mạnh. Từ đó, tạo môi trường, phương pháp giáo dục học sinh đa dạng, phong phú, giúp các em có trải nghiệm thực tế, nâng cao nhận thức, hình thành hành vi, hành động đúng, lối sống đẹp.


Cô và trò trường mầm non Húc Động học tập, tìm hiểu về tấm gương đạo đức Bác Hồ tại thư viện nhà trường.

Ở trường mầm non Húc Động (xã Húc Động, huyện Bình Liêu) việc quan tâm, định hướng giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh đã được nhà trường ưu tiên, xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, nhà trường đã bố trí một phòng thư viện để trưng bày các tư liệu, tranh ảnh, sách, truyện, video... về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ nhằm tạo cho học sinh có một không gian học tập theo Bác thật sinh động, gần gũi. Hằng tuần, mỗi lớp học đều dành từ 2-3 buổi sang phòng thư viện cho học sinh đọc sách, biểu diễn văn nghệ, thi kể chuyện, đọc thơ về Bác.

Cô giáo Lý Thị Mai, Hiệu trưởng nhà trường, nhấn mạnh: Từ việc tạo ra không gian học tập về Bác, nhà trường muốn dùng phương pháp nêu gương để giáo dục học sinh. Cùng với đó, chính mỗi giáo viên thông qua việc giảng dạy, truyền đạt kiến thức về Bác cho học sinh sẽ tự soi lại mình, rèn luyện mình mẫu mực hơn trong tác phong, lối sống. Qua đó, giúp học sinh mầm non từng bước nhận biết, hiểu và noi theo những đức tính của Bác Hồ, của cô giáo, góp phần hình thành đạo đức, thói quen, hành vi tốt cho các em khi còn nhỏ ngay trong học tập, sinh hoạt hàng ngày.

Xây dựng cơ chế phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội

Có thể thấy, bằng những giải pháp cụ thể, trong những năm qua ngành giáo dục đã nỗ lực, đổi mới, không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Tuy nhiên, trước những tác động tiêu cực của môi trường xã hội, sự suy thoái đạo đức của một bộ phận người dân trong cộng đồng, trách nhiệm quan tâm, giáo dục chưa đúng mức của gia đình... đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc hình thành đạo đức, lối sống cho học sinh, thanh thiếu niên hiện nay.

Trước thực trạng đó, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, đề án đề ra các giải pháp, huy động sự vào cuộc của toàn xã hội nhằm tăng cường công tác giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh, thế hệ trẻ như: Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 24/3/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030; Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng cho đoàn viên, thanh niên; tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi giai đoạn 2018-2022” của Ban Thường vụ Trung ương Đoàn...

Cuối tháng 7 vừa qua, tại phiên họp của Ủy ban đổi mới GDĐT giai đoạn 2016-2021 và Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2016-2021, đã tập trung thảo luận về công tác giáo dục, đạo đức lối sống cho học sinh phổ thông. Chủ trì phiên họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Đồng ý là cần sự phối hợp của gia đình, nhà trường, xã hội nhưng nhà trường phải làm trước, Đoàn Đội cũng phải làm tốt hơn. Phong trào là đương nhiên nhưng phải thiết thực, tránh hình thức. Tinh thần là phải làm sao trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò”.


Sinh viên trường đại học Hạ Long tham gia phần thi hùng biện tại Hội thi Olympic các môn khoa học Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2019 với chủ đề "Ánh sáng soi đường" do Tỉnh Đoàn tổ chức.

Trên tinh thần đó, ngành giáo dục của tỉnh đã tập trung đẩy mạnh việc xây dựng cơ chế phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội, chỉ đạo thực hiện cam kết giữa gia đình, nhà trường với chính quyền địa phương trong việc phối hợp, hỗ trợ giáo dục con em tại tất cả các cấp học, nhà trường, cơ sở giáo dục.

Bà Nguyễn Thị Thúy, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: Cùng với thực hiện tăng cường công tác phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và các đơn vị, ngành như đoàn thanh niên, công an... trong việc đa dạng hóa chương trình giáo dục phù hợp, hiệu quả cho học sinh, ngành giáo dục chủ động bổ sung các tiêu chí đánh giá chất lượng dạy và học với cả giáo viên và học sinh thông qua chính kết quả trong công tác giáo dục đạo đức, lối sống. Hiện, Sở giáo dục cũng đang kiện toàn đội ngũ, xây dựng các phòng chính trị - tư tưởng từ Sở đến cơ sở để tăng cường công tác theo dõi, đánh giá, chấn chỉnh học sinh trong việc rèn luyện đạo đức, lối sống. Đồng thời, tiếp tục duy trì hiệu quả các phong trào thi đua, đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW gắn với Nghị quyết số 11-NQ/TU của Tỉnh ủy về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững” bằng nhiều hình thức, trong đó chú trọng việc nêu gương, tuyên dương, xây dựng điển hình tốt...

Tin tưởng, với sự vào cuộc, chung sức của toàn xã hội, công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh tiếp tục có những chuyển biến rõ nét, giúp học sinh phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ, xây dựng thế hệ trẻ có đủ năng lực, phẩm chất, đáp ứng yêu cầu hội nhập của đất nước trong thời kỳ mới.

Nguyễn Dung

Các tin khác
Lượt truy cập:
Trực tuyến:
CHÍNH QUYỀN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG NINH
Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân Tỉnh Quảng Ninh
Hỗ trợ:
Điện thoại: 1900.558.826
Email: chinhquyendientu@quangninh.gov.vn