DỊCH VỤ CÔNG


TÌNH HÌNH
XỬ LÝ


HỎI ĐÁP

TIN TỨC
Điểm báo ngày 17/1

Thành phố Móng Cái giành giải thưởng du lịch ASEAN 2020 (Nhân Dân 16/1)

Sản phẩm du lịch Cụm cổ động biên giới Sa Vĩ của TP Móng Cái (Quảng Ninh) giành giải thưởng sản phẩm du lịch bền vững Thành thị và nông thôn ASEAN 2020.

Ngày 16-1, tại Brunei, diễn ra lễ trao giải thưởng sản phẩm du lịch bền vững Thành thị và nông thôn ASEAN 2020 trong khuôn khổ Diễn đàn du lịch Đông-Nam Á - ATF2020.

Cụm cổ động biên giới Sa Vĩ của thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) và sản phẩm Vườn rau hữu cơ Thanh Đông là hai sản phẩm du lịch đại diện cho Việt Nam được trao giải sản phẩm du lịch bền vững Thành thị và nông thôn ASEAN 2020.

Đây là giải thưởng cao quý của ASEAN góp phần tôn vinh và phát triển thương hiệu doanh nghiệp, sản phẩm dịch vụ du lịch chất lượng cao trong khu vực; đồng thời là dịp để các đơn vị tuyên truyền quảng bá, nâng cao hiệu quả xúc tiến du lịch Việt Nam và thương hiệu điểm đến quốc gia "Vietnam Timeless Charm".

Nhiệt điện Mông Dương: Sản xuất gắn với bảo vệ môi trường (Công Thương 17/1)

Chuyển đổi nhiên liệu sử dụng trong đốt lò; xử lý khí thải và tro, xỉ đảm bảo hoạt động của nhiệt điện than nhằm giảm phát thải khí nhà kính ra môi trường… là những biện pháp mà Công ty Nhiệt điện Mông Dương - đơn vị quản lý, vận hành Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương - đã và đang triển khai để phát triển bền vững.

Là doanh nghiệp trực thuộc Tổng công ty Phát điện 3 (Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN), chính thức đi vào vận hành và phát điện thương mại từ năm 2015, Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương được đánh giá có công nghệ hiện đại, tiên tiến, thân thiện với môi trường. Đặc biệt, nhà máy là công trình nhiệt điện đầu tiên của EVN sử dụng công nghệ lò hơi tầng sôi tuần hoàn (CFB) - công nghệ tiên tiến nhất thế giới hiện nay, với ưu điểm sử dụng than xấu có nhiệt trị thấp, giúp cháy kiệt nhiên liệu, giảm khí thải và lượng tro xỉ ra môi trường.

Đối với việc xử lý khí thải, công ty đã đầu tư gần 10 tỷ đồng cải tiến thiết bị, công nghệ để đưa hệ thống ESP vào vận hành ngay khi bắt đầu khởi động lò; hoàn thành chuyển đổi sử dụng nhiên liệu đốt lò từ dầu FO sang dầu DO, giải quyết tuyệt đối vấn đề môi trường, khói đen không còn ra khỏi ống khói như trước đây. Đồng thời, trong quá trình vận hành, nếu xảy ra tình trạng sự cố, giúp công ty khôi phục lại rất nhanh vì hiện tượng tắc vòi dầu không còn.

Để xử lý vấn đề này, đối với xỉ đáy, đến thời điểm hiện tại, nhà máy tiêu thụ và xuất bán được khoảng 50% lượng xỉ đáy thải ra. Lượng còn lại 50%, công ty đã tổ chức thuê vận chuyển đi san lấp tại một số khu vực tại Cẩm Phả theo nhu cầu của chủ đầu tư. Còn đối với tro bay, khoảng 20 -30% thải ra hàng tháng được vận chuyển đi tiêu thụ làm vật liệu xây dựng, cung cấp cho các nhà máy xi măng… Lượng tro bay còn lại (chiếm 70 - 80%) sử dụng để san lấp, công ty ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Đầu tư Minh Phong vận chuyển san lấp tại một số khu vực đã được UBND tỉnh Quảng Ninh chấp thuận.

Ngoài ra, công ty cũng xây dựng hệ thống xử lý tro xỉ, khí thải, nước thải, chất thải rắn, chất thải nguy hại… với công nghệ đồng bộ, liên kết chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau. Toàn bộ lượng tro xỉ của nhà máy được chuyển qua hệ thống trạm bơm và đường ống thải xỉ bằng phương pháp thải xỉ ướt giúp không phát tán bụi ra môi trường, lượng xỉ ướt nàu được chuyển ra điểm tập kết tại bãi thải xỉ số 1 (cách xa nhà máy cũng như khu dân cư).

Nhằm kiểm soát các chất thải và khí thải ra môi trường, công ty đã lắp đặt hệ thống thiết bị tự động quan trắc tự động, giám sát liên tục các thông số khói thải, nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt, hệ thống camera, khí thải, hệ thống lấy mẫu nước thải tự động; hệ thống công tơ đo đếm điện năng lọc bụi tĩnh điện. Tất cả được kết nối online truyền số liệu thông số môi trường về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh nhằm công khai, minh bạch các thông số phát thải của nhà máy. Đồng thời, công ty cũng hoàn thành công tác cấu hình hệ số ôxy tham chiếu cho các thiết bị giám sát khí thải lò hơi và cấu hình trạng thái thiết bị giám sát môi trường theo quy định. 

Ngành hải quan khép lại năm 2019 nhiều thắng lợi (Công Thương 17/1)

"Năm 2019, ngành hải quan được giao dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) 300.500 tỷ đồng. Bằng nỗ lực chung, nhất là sự chủ động của hải quan từng địa phương, ngành hải quan đã thu nộp đạt trên 340.000 tỷ đồng và hoàn thành vượt mức hầu hết các chỉ tiêu, nhiệm vụ khác". Ông Lưu Mạnh Tưởng - Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan) - cho biết.

"Quán triệt chỉ đạo và hiện thực hóa bằng nhiều giải pháp bám sát tình hình xuất, nhập khẩu (XNK) tại địa bàn, nên hết năm 2019, phần lớn trong 33 cục hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố đều hoàn thành vượt mức kế hoạch thu ngân sách được giao" – ông Lưu Mạnh Tưởng nói và liệt kê một số đơn vị có số thu đạt cao, như: Hải quan Quảng Ninh thu vượt hơn 60% dự toán; Hải quan TP. Hồ Chí Minh vượt chỉ tiêu trên 300 tỷ đồng; Hải quan Quảng Bình thu đạt trên 102% so với chỉ tiêu…

Đặc biệt, hải quan các địa phương đều có những cách làm rất linh hoạt. Điển hình như Hải quan Quảng Ninh, bên cạnh việc cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi trong hoạt động XNK, đơn vị còn xây dựng và triển khai chương trình công tác trọng tâm với 5 chuyên đề, 11 nhóm giải pháp, 52 nhiệm vụ nhằm tạo đột phá. Trong đó, Hải quan Lào Cai lựa chọn công tác thu hồi và xử lý nợ thuế, chống chây ỳ, nợ xấu, nợ khó đòi… làm trọng tâm và phối hợp với cơ quan thuế, kế hoạch và đầu tư, ngân hàng, kho bạc... đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế.

"Tăng cường công tác kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành tập trung vào các mặt hàng… là một trong những nhiệm vụ được Hải quan Quảng Bình triển khai rất hiệu quả" – ông Tưởng nói và cho biết, nhằm tăng cường quan hệ hải quan – doanh nghiệp (DN), Hải quan Quảng Bình cũng thực hiện các hoạt động phát triển quan hệ đối tác, ký kết thỏa thuận hợp tác với DN có hoạt động XNK thường xuyên trên địa bàn...

Ông Lưu Mạnh Tưởng khẳng định, 2019 có thể xem là năm thành công trong công tác thu nộp NSNN. Toàn ngành đã thực hiện hiệu quả công tác hiện đại hóa, điển hình là hệ thống hải quan điện tử được thực hiện ở 100% đơn vị trực thuộc với 99,87% DN đã kê khai thuế điện tử; 99,53% DN nộp thuế điện tử; 93,61% DN hoàn thuế điện tử… Hải quan và Cơ quan Thuế cũng thực hiện đồng bộ cơ chế "một cửa liên thông", tạo thuận lợi cho người nộp thuế, khai hải quan.

Kết thúc năm 2019, có 188/304 dịch vụ công trực tuyến đạt cấp độ 3 và 4 giúp DN rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa. Đặc biệt, nhằm tiếp tục tạo thuận lợi tối đa cho người nộp thuế, Tổng cục Hải quan đã ký thỏa thuận hợp tác với 42 ngân hàng thương mại, trong đó có 30 ngân hàng đã triển khai nộp thuế điện tử và thông quan 24/7. Từ ngày 25/11, hải quan chính thức triển khai chương trình nộp thuế điện tử DN nhờ thu, thông qua 5 ngân hàng và hiện đã có nhiều DN kết nối để thực hiện các thủ tục thuế.

Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của tổng cục, sự vào cuộc chủ động, linh hoạt của các đơn vị trực thuộc, năm 2019, ngành hải quan đã hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu; trong đó nổi bật là nhiệm vụ thu nộp NSNN được ngành hoàn thành vượt mức, với tổng số thu NSNN đạt trên 340.000 tỷ đồng (chỉ tiêu được Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính giao là 300.500 tỷ đồng). Đây là kết quả quan trọng để ngành hải quan tự tin bước vào thực hiện nhiệm vụ năm 2020 và những năm tiếp theo với những chỉ tiêu cao hơn, nhiệm vụ khó khăn hơn, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

Đẩy mạnh thanh, kiểm tra đột xuất tại cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm (Thanh Tra VN 16/1)

Tỉnh Quảng Ninh luôn xác định công tác bảo đảm ATTP là một nhiệm vụ hết sức quan trọng trong việc bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế xã hội bền vững của tỉnh.

Năm 2019, UBND tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng kế hoạch chỉ đạo các ngành chức năng của tỉnh và chính quyền các địa phương tổ chức thực hiện công tác ATTP trên địa bàn tỉnh đạt được kết quả quan trọng, không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tập thể lớn trên 30 người mắc, không có người tử vong do ngộ độc thực phẩm (NĐTP), không xảy ra dịch bệnh truyền qua thực phẩm đối với 1,3 triệu người dân của tỉnh và trên 14 triệu lượt khách du lịch, góp phần ổn định và phát triển kinh tế xã hội bền vững của tỉnh Quảng Ninh. 

Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 03/KH-BCĐ ngày 21/01/2018 về việc triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm năm 2019. 100 % các huyện, thị xã, thành phố và xã, phường, thị trấn có kế hoạch triển khai công tác bảo đảm ATTP TĂĐP theo nội dung chỉ đạo của tỉnh. Đã thực hiện quả các chỉ tiêu kế hoạch về ATTP cũng như công tác bảo đảm ATTP TĂĐP theo đúng quy định và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Định kỳ vào ngày 05 hàng tháng Sở Y tế tổng hợp toàn bộ danh sách cơ sở bị xử lý, xử phạt vi phạm về an toàn thực phẩm để báo cáo UBND tỉnh đồng thời gửi Trung tâm truyền thông công khai trên sóng phát thanh, truyền hình. Năm 2019  đã công khai danh sách 1.303 cơ sở bị xử phạt vi phạm hành chính về ATTP (Giảm 195 cơ sở so với năm 2018).

Trong việc kiểm tra, giám sát phòng chống NĐTP và bệnh truyền qua thực phẩm: Toàn ngành đã thực hiện 41.711 mẫu kiểm nghiệm thực phẩm, phát hiện 1.068 mẫu không đạt (2,56%): Kiểm nghiệm định lượng: 936 mẫu, phát hiện 41 mẫu không đạt (4,38%); Kiểm nghiệm nhanh thực phẩm: 40.775 mẫu, phát hiện 1.027 mẫu không đạt (2,5%). 

Chi cục ATVSTP thực hiện trong các hoạt động giám sát phòng chống NĐTP: 6.260 mẫu, có 35 mẫu không đạt (0,56%). 14 địa phương thực hiện kiểm nghiệm mẫu giám sát phòng chống NĐTP: 35.451 mẫu thực phẩm, có 1.068 mẫu không đạt (3,01%).

Công tác kiểm tra, thanh tra dịch vụ ăn uống thức ăn đường phố (theo 10 tiêu chí đối với thức ăn đường phố của Bộ Y tế): Đã thành lập 506 đoàn kiểm tra về ATTP, tổng số lượt kiểm tra 3.184 cơ sở, có 1.216 cơ sở kinh doanh TĂĐP. Số cơ sở kinh doanh TĂĐP cố định là 959 cơ sở. Tổng số lượt kiểm tra 2. 209 cơ sở. Số cơ sở đạt 1.943 (tỷ lệ đạt 88%). Số cơ sở kinh doanh TĂĐP không cố định 257 cơ sở. Tổng số lượt kiểm tra 975 cơ sở. Số cơ sở đạt 790 (tỷ lệ đạt 81%). Số cơ sở vi phạm: 451/1.216 chiếm 37%. Trong đó, số cơ sở nhắc nhở 307/1.216 chiếm 25,4%; số cơ sở phạt tiền: 141/1.216 chiếm 11,6 %, tổng số tiền phạt: 108.000.000 đồng. Phần lớn các cơ sở còn tồn tại việc ghi chép nguồn gốc xuất xứ thực phẩm không đầy đủ, không tổ chức khám sức khỏe định kỳ, xác nhận kiến thức về ATTP: chế biến và bảo quản, bày bán không đảm bảo ATTP. 

Ngành Y tế đã luôn chủ động phối hợp triển khai thực hiện các biện pháp giám sát phòng chống NĐTP và dịch bệnh truyền qua thực phẩm ở hầu hết tất cả các cơ sở thực phẩm, dịch vụ ăn uống, đặc biệt quan tâm ở khu du lịch, bếp ăn tập thể, khu công nghiệp, trường học, hội nghị, sự kiện, lễ hội, TĂĐP.

Năm 2020, các Sở, ngành, các địa phương trong tỉnh tiếp tục thực hiện kế hoạch số 3964/KH-UBND ngày 06/7/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

Trong đó, chú trọng đổi mới hình thức nội dung truyền thông về ATTP. Hàng tuần Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh phát sóng 02 chuyên đề “Vì sức khỏe cộng đồng”. Các Sở: Y tế, Công Thương, Nông nghiệp & PTNT tiếp tục đăng tải trên Wesite các văn bản pháp luật về ATTP, thông tin về cơ sở thực phẩm, thông tin cảnh báo nguy cơ về ATTP, kiến thức về ATTP, danh mục chất câm sử dụng trong SXCBKD thực phẩm.

Khuyến khích các tổ chức cá nhân thông tin phản ánh, tố giác các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh vi phạm ATTP về đường dây nóng của các ngành và các địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời. 

Đồng thời, tăng cường kiểm tra đột xuất đối với cơ sở thực phẩm; chú trọng phối hợp liên ngành, đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng Y tế, Nông nghiệp, Công Thương, Công an, Bộ Chỉ huy Bộ bộ đội biên phòng, Hải Quan nhằm kiểm soát tốt gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, chất cấm trong chăn nuôi, hóa chất công nghiệp, phụ gia thực phẩm, các loại vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng, các chất kháng sinh, chất kích thích tăng trưởng trong trồng trọt, chăn nuôi; các loại thủy hải sản, gia cầm, hoa quả, bánh kẹo, đồ uống, hàng đông lạnh…nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn. 

Tăng cường phối hợp với Ban Chỉ đạo 389 về hoạt động chống buôn lậu thực phẩm, nhất là buôn lậu qua biên giới; đẩy mạnh việc thanh, kiểm tra, chú trọng thanh kiểm tra đột xuất tại cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm; đặc biệt tại các chợ đầu mối để ngăn chặn nguy cơ mất an toàn thực phẩm ngay từ gốc.

Ngọc Huyền

Các tin khác
Lượt truy cập:
Trực tuyến:
CHÍNH QUYỀN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG NINH
Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân Tỉnh Quảng Ninh
Hỗ trợ:
Điện thoại: 1900.558.826
Email: chinhquyendientu@quangninh.gov.vn