DỊCH VỤ CÔNG


TÌNH HÌNH
XỬ LÝ


HỎI ĐÁP

TIN TỨC
Chủ động phòng, chống nắng nóng trong sản xuất nông nghiệp

Nắng nóng gay gắt kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, còn tác động trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trước tình hình đó, ngành Nông nghiệp đã khẩn trương kiểm tra sản xuất để khuyến cáo, hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp bảo vệ cây trồng, vật nuôi, giảm thiệt hại.


Các hộ nuôi trồng thủy sản tại TX Quảng Yên đầu tư mái che để giảm tác động của nắng nóng. Ảnh: Hải Hà

Từ đầu tháng 6 đến nay, thời tiết nắng nóng bao trùm toàn tỉnh, nhiệt độ trung bình trên 35 độ C, một số nơi lên tới 37 độ C. Theo Sở NN&PTNT, với thời tiết trên, nếu không có các biện pháp phòng, chống nắng nóng kịp thời, nguy cơ thiệt hại cây trồng, vật nuôi khó tránh khỏi. 

Theo ông Trần Xuân Đông, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT): Trong giai đoạn này, người nuôi cần hạn chế chăn thả gia súc, nâng cao dinh dưỡng trong khẩu phần ăn cho vật nuôi, trong đó chú ý cho uống đủ nước, bổ sung vitamin, đường, chất điện giải; làm mát, thông thoáng chuồng trại bằng cách phun ẩm lên mái chuồng, vệ sinh thu dọn chất thải, khơi thông cống rãnh xung quanh; chú trọng tiêm vắc xin phòng các bệnh mùa hè cho vật nuôi, phun trừ các loại ký sinh truyền bệnh như ve, mòng, muỗi, bò mạt… Chính quyền các địa phương cần rà soát, thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh phát sinh, có biện pháp cách ly, khoanh vùng, đặc biệt tiêu hủy triệt để gia súc, gia cầm ốm, chết do bệnh truyền nhiễm, nhằm tránh lây lan.

Các hộ nuôi trồng thuỷ sản đang tập trung vào các đối tượng nuôi chủ lực là tôm, cá song, cá vược, cá rô phi…, trong đó tôm chuẩn bị vào vụ thu hoạch. Mức nhiệt môi trường sống an toàn của hầu hết các đối tượng nuôi này khoảng 25 độ C. Với tiết trời nắng nóng như những ngày vừa qua, nếu không có giải pháp giảm nhiệt sẽ khiến thủy sản nuôi bị sốc nhiệt, giảm sức đề kháng, dẫn đến nhiễm bệnh, chết. Đặc biệt nắng nóng làm tăng quá trình phân huỷ các chất hữu cơ, thức ăn thừa trong môi trường nuôi, trở thành các khí độc làm cho thuỷ sản nuôi bị ngạt khí, ngộ độc khí.

Theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, các hộ nuôi cần bổ sung nước và duy trì mức nước trong ao nuôi từ 1,5-2m trở lên, tăng thời gian sử dụng quạt đảo tạo ôxy, nên cho thuỷ sản nuôi ăn vào thời điểm thích hợp, tranh thủ thời điểm trời mát, nhiệt độ giảm, cho ăn nhiều lần trong ngày. Đây là biện pháp giảm chất hữu cơ, giảm lượng thức ăn dư thừa để tránh thức ăn bị phân huỷ làm ô nhiễm nguồn nước nuôi.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT) lưu ý các hộ dân bổ sung nước cho cây trồng, sử dụng các biện pháp che chắn hợp lý để giảm tác động của nắng nóng. Đối với cây rau màu, cách chống nắng đơn giản mà hiệu quả là phủ rơm, rạ, trấu trên mặt ruộng, giữ ẩm cho rau bằng cách tháo nước vào rãnh giữa các luống rồi để nước ngấm đều vào luống.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thuỷ văn Trung ương, tình hình thời tiết cực đoan nắng nóng còn tiếp diễn. Để hạn chế thiệt hại do nắng nóng gây ra, các ngành chức năng và địa phương, nhất là các hộ chăn nuôi, trồng trọt cần chủ động triển khai các biện pháp phòng chống phù hợp, bảo vệ cây trồng, vật nuôi. 

Nguyễn Thanh

Các tin khác
Lượt truy cập:
Trực tuyến:
CHÍNH QUYỀN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG NINH
Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân Tỉnh Quảng Ninh
Hỗ trợ:
Điện thoại: 1900.558.826
Email: chinhquyendientu@quangninh.gov.vn