DỊCH VỤ CÔNG


TÌNH HÌNH
XỬ LÝ


HỎI ĐÁP

TIN TỨC
Du lịch cộng đồng trên Vịnh Hạ Long: Tạo sinh kế cho người dân chài

Hơn 300 hộ dân sinh sống trong vùng lõi của Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long đã di dời lên bờ định cư từ năm 2014. Tuy nhiên, ngư dân các làng chài nơi đây vẫn đang đóng góp tích cực cho du lịch cộng đồng trên Vịnh Hạ Long, với những sản phẩm đặc biệt thu hút du khách.

Du lịch cộng đồng trên Vịnh Hạ Long được định hình với mô hình hợp tác xã dịch vụ chèo thuyền nan đưa du khách tham quan làng chài Cửa Vạn, Vung Viêng, Ba Hang.

Khu vực Vung Viêng hiện có gần 100 lao động đang làm việc cho Hợp tác xã Dịch vụ du lịch vạn chài Hạ Long, với khoảng 60 thuyền nan thường xuyên hoạt động, đưa đón khách tham quan làng chài. Hợp tác xã được thành lập từ năm 2008, vận hành theo cơ chế nhà nước quản lý, doanh nghiệp tổ chức hoạt động kinh doanh dịch vụ và ngư dân làng chài là nguồn nhân lực chính tham gia.

Trên hành trình chèo đò đưa du khách tham quan Vung Viêng bằng thuyền nan, mỗi người dân làng chài trở thành một hướng dẫn viên giới thiệu cho du khách về cảnh quan, lịch sử làng chài và đời sống cư dân bản địa.

Bên cạnh đó, du khách được ghé thăm ngôi nhà sinh hoạt cộng đồng và mô hình lớp học làng chài Vung Viêng khi xưa - nơi tái hiện những nét sinh hoạt của cư dân làng chài; thăm khu nuôi cấy ngọc trai tự nhiên với quy trình do các chuyên gia Nhật Bản chuyển giao. Nghề nuôi trai lấy ngọc không những tạo thêm thu nhập cho ngư dân làng chài Vung Viêng mà còn là điểm đến khám phá thú vị cho khách du lịch.

Du khách tham quan nhà bè nuôi trồng thủy sản tại khu vực Vung Viêng

Hiện Vung Viêng cũng là địa điểm duy nhất trên Vịnh Hạ Long được thí điểm thực hiện mô hình nuôi trồng thủy sản với 7 nhà bè đang hoạt động dưới sự quản lý của hợp tác xã. Đây là điểm đến được du khách rất yêu thích khi họ có thể ghé vào các nhà bè, tìm hiểu về cách thức nuôi trồng thủy sản trên Vịnh Hạ Long, tự tay cho cá ăn. Mô hình này vừa tạo sinh kế cho ngư dân, vừa là cách để khôi phục lại hồn cốt làng chài thông qua hoạt động sản xuất.

Cùng với Hợp tác xã Dịch vụ vận tải du lịch Vạn chài Hạ Long ở khu vực Vung Viêng, trên Vịnh Hạ Long còn có Hợp tác xã Vạn chài Con đò cổ tích ở khu vực Ba Hang với mô hình hoạt động tương tự, cung cấp các dịch vụ chèo đò du lịch, chèo kayak.

Khi tham gia các hợp tác xã vạn chài, nhân viên hợp tác xã được trang bị đồng phục, đeo thẻ phù hiệu, đăng ký đăng kiểm các phương tiện và phải công khai niêm yết giá dịch vụ. Họ cũng được trang bị kiến thức về du lịch, cứu hộ cứu nạn khi cần thiết. Nhờ đó chất lượng phục vụ du khách được nâng cao. Mỗi ngày hợp tác xã đón khoảng 200-300 lượt khách, thu nhập hàng tháng của các thành viên trung bình trên 4 triệu đồng.

Ông Tăng Văn Phiến, Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ du lịch Vạn chài Hạ Long cho biết: Chúng tôi thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về vệ sinh môi trường, bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp, trình độ Tiếng Anh, nâng cao văn hóa ứng xử cho người dân làng chài để họ có thể giao tiếp tự tin với du khách.

Trên mỗi thuyền nan còn có dụng cụ vớt rác để làm sạch môi trường Vịnh

Khi du lịch cộng đồng phát triển, mỗi người dân làng chài không chỉ biết làm du lịch mà còn nâng cao ý thức bảo vệ môi trường Vịnh. Trên mỗi con thuyền chở khách du lịch đều có sẵn vợt hoặc túi đựng để vớt rác, tạo dựng một hình ảnh đẹp trong mắt du khách.

Ông Vũ Văn Hồng, Tổ trưởng Tổ chèo đò, Hợp tác xã Dịch vụ du lịch Vạn Chài Hạ Long chia sẻ: Khi mô hình du lịch cộng đồng trên Vịnh phát triển, mọi người dân làng chài đều rất tích cực tham gia chở khách du lịch và có ý thức hơn trong việc dọn rác để làm sạch môi trường Vịnh Hạ Long.

Chị Vũ Thị Bích, xã viên HTX Vạn chài Con đò cổ tích hào hứng kể: Hàng ngày, mình được chở khách du lịch đi thăm khu vực Ba Hang, trực tiếp trò chuyện với họ bằng Tiếng Anh, cảm thấy rất là vui, cuộc sống thu nhập ổn định. Mình cũng rất mong du lịch sẽ tiếp tục phát triển để người dân chài như chúng mình tiếp tục được gắn bó với biển và giữ lại được những nét đẹp của làng chài như trước kia.

Tại khu vực Cửa Vạn, ngoài dịch vụ chèo đò, người dân làng chài còn tham gia vào các hoạt động biểu diễn hát giao duyên, trình diễn đan lờ, đan lưới, sửa chữa ngư cụ phục vụ du khách tại Trung tâm Văn hóa nổi Cửa Vạn. Những mô hình du lịch như thế này không chỉ tạo việc làm cho ngư dân, giúp du lịch Quảng Ninh không phụ thuộc mùa vụ mà còn góp phần phát triển du lịch cộng đồng từ vùng lõi di sản, hướng tới phát triển bền vững theo định hướng của tỉnh Quảng Ninh, nơi mỗi người dân đều được hưởng lợi từ du lịch.

 

Xuân Hòa

Các tin khác
Lượt truy cập:
Trực tuyến:
CHÍNH QUYỀN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG NINH
Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân Tỉnh Quảng Ninh
Hỗ trợ:
Điện thoại: 1900.558.826
Email: chinhquyendientu@quangninh.gov.vn