DỊCH VỤ CÔNG


TÌNH HÌNH
XỬ LÝ


HỎI ĐÁP

TIN TỨC
Thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng

Quảng Ninh giàu tiềm năng cả về tự nhiên và văn hóa cho phát triển du lịch cộng đồng. Cùng với các loại hình du lịch khác, những năm gần đây, du lịch cộng đồng ở Quảng Ninh đã có bước khởi sắc nhất định...

Gia tăng về số lượng

Trải nghiệm tại khu du lịch (KDL) làng quê Yên Đức tại TX Đông Triều, bà Nguyễn Thị Chi Ngân, du khách đến từ phường Bạch Đằng (TP Hạ Long), chia sẻ: Thăm làng quê, chúng tôi thấy rất hấp dẫn vì đường làng, ngõ xóm rộng thênh thang, vùng quê trù phú gắn liền với những di tích lịch sử, những nét văn hóa thấm đẫm truyền thống văn hóa của dân tộc, của quê hương. Nghe giới thiệu thì nhiều nhưng hôm nay, tôi mới được lưu lại lâu hơn để tìm hiểu kỹ hơn, rồi được làm nông dân đi cắt lúa, đơm đó, xay lúa, giã gạo và được đóng vai những cô thôn nữ gánh lúa đi hái hoa sen.

Du khách đến tham quan, trải nghiệm tại khu du lịch làng quê Yên Đức (Đông Triều).

Chúng tôi rất mê mô hình du lịch ở đây vì xây dựng lại một nét đẹp của làng quê Việt. Chúng tôi thấy vui vì người Quảng Ninh làm du lịch bằng chính người dân sống trên mảnh đất làng quê này. Họ đã tạo nên cảm giác vùng quê rất đẹp, rất yên bình, hấp dẫn mọi người.

Trao đổi với chúng tôi về cách làm của đơn vị, chị Dương Thị Mến, Phó Giám đốc KDL làng quê Yên Đức, cũng là một người dân của Yên Đức, cho hay: KDL nơi đây không có gì không thật cả. Đến đây làm nông dân một ngày tương đối vất vả, không giống du lịch chỗ khác được chăm sóc, hưởng thụ mà là sự trải nghiệm thực sự…

Nữa là, du lịch gắn với người dân, đi đến đâu là người dân được hưởng lợi đến đó. Các khu múa rối nước đều là của nhà người dân, người ta nhượng lại cho mình thì bên cạnh việc được nhận tiền rồi, người ta vẫn được lao động ở đây. Hay như một ngôi nhà cổ có tuổi gần 200 năm, đến đấy du khách được giao lưu với người dân, mình chia sẻ lợi ích cho người ta, dù có khách hay không thì họ vẫn được hưởng trung bình 3,5 triệu đồng/tháng…Doanh nghiệp cũng chia sẻ với cộng đồng trong các hoạt động an sinh xã hội giống như một thành viên ở đây, trong suốt 9 năm qua.

Bình Liêu là địa phương hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng. Trong ảnh: Điểm du lịch cộng đồng Sông Moóc House tại bản Sông Moóc (xã Đồng Văn). Nguồn ảnh: Dulichbinhlieu.

Du lịch đi đến đâu, làng quê chúng tôi sáng đến đó. Như mô hình múa rối nước ở 2 khu hiện nay, trước đây tối lắm, giờ rất sáng, đông vui. Hay khu trụ sở bây giờ làm chợ quê thời mậu dịch, trước là khu trường mầm non cũ rất hoang sơ, thậm chí người dân còn hay mang rác thải ra đó vất, nhưng từ khi có du lịch đến, có sự thay đổi hẳn. Môi trường chung của làng cũng được cải thiện nhiều. Người dân cũng thấy rằng, du lịch đến không phá vỡ không gian làng quê mà ngược lại còn tôn tạo, giữ gìn các giá trị truyền thống, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.

Đây là một trong những mô hình du lịch cộng đồng đầu tiên và thành công nhất của tỉnh, với các sản phẩm và dịch vụ được phát triển theo thời gian và đến nay đã hoàn thiện.

Trước Yên Đức, làng chài Cửa Vạn là nơi phát triển du lịch cộng đồng sớm nhất ở Quảng Ninh từ năm 2005. Rải rác ở các địa phương hiện nay đa số đều có các mô hình du lịch cộng đồng. Đơn cử, ở Đông Triều còn có các làng gốm, có các điểm dừng chân để du khách trong và ngoài nước chiêm ngưỡng, mua sắm và có thể trải nghiệm các công đoạn sản xuất gốm và tự tay làm các sản phẩm.

Bình Liêu cũng là địa phương hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng, hiện đã có một số điểm du lịch cộng đồng tại bản Sông Moóc (xã Đồng Văn), Bản Cáu (xã Lục Hồn) và bản Lục Ngù (xã Húc Động). Hoạt động du lịch cộng đồng ở Cô Tô tập trung ở 2 xã là Đồng Tiến và xã đảo Thanh Lân, chủ yếu kết hợp giữa việc tham quan khám phá vẻ đẹp hoang sơ của đảo và tìm hiểu đời sống sinh hoạt của người dân trên đảo.

Du khách tham gia trải nghiệm Một ngày làm ngư dân tại đảo Quan Lạn (Vân Đồn), tháng 4/2019. Ảnh: Việt Anh

Gần đây nhất vào tháng 4/2019, mô hình thí điểm du lịch sinh thái cộng đồng tại đảo Quan Lạn (Vân Đồn) đã đi vào vận hành, với 2 hành trình khám phá có chủ đề Lịch sử hào hùng và văn hóa đảo Quan Lạn và Một ngày làm ngư dân.

Bên cạnh đó, một số địa phương cho thấy những điểm có tiềm năng để làm du lịch cộng đồng, như xóm họ Đặng (thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn, Móng Cái), khu vực phía Tây Hoành Bồ (cũ). Quảng Yên đang có định hướng tập trung đưa vào phục hồi và khai thác làng nghề và làng nông nghiệp để trở thành sản phẩm chính cho du lịch cộng đồng, như làng nghề Hưng Học, làng nghề phường Phong Hải, làng nông nghiệp Tiền An…

Còn nhiều việc phải làm

Mặc dù đã có sự khởi sắc, nhưng qua đánh giá của cơ quan chức năng cho thấy, Quảng Ninh chưa có mô hình tổ chức, quản lý riêng cho hoạt động du lịch cộng đồng.

Thực tế, việc tổ chức, quản lý hoạt động du lịch cộng đồng tại các địa phương vẫn dựa trên các cơ chế, chính sách chung cho phát triển du lịch. Do chưa có cơ chế, chính sách riêng nên hầu hết các địa phương đều lúng túng trong công tác tổ chức, quản lý đối với các hoạt động du lịch cộng đồng trên địa bàn. Việc phát triển du lịch cộng đồng hoặc theo cơ chế chung của du lịch hoặc mang tính tự phát, phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp và người dân.

Nhân lực phục vụ các hoạt động du lịch cộng đồng ở Quảng Ninh ước đạt gần 1.500 người, hầu hết là người dân địa phương. Ảnh: Người dân địa phương biểu diễn hát quan họ phục vụ du khách tại khu du lịch làng quê Yên Đức (Đông Triều).

Đội ngũ nhân lực phục vụ cho các hoạt động du lịch cộng đồng ở Quảng Ninh hầu hết là người dân địa phương, ước đạt gần 1.500 người, không chỉ thiếu cả về số lượng mà còn hạn chế về chất lượng. Năm 2019, lượng khách du lịch cộng đồng đến Quảng Ninh chỉ đạt khoảng 0,9 triệu/14 triệu lượt khách, rõ ràng còn rất khiêm tốn. Mức chi tiêu của khách du lịch cộng đồng cũng khá thấp, tính bình quân chỉ đạt 1,75 triệu đồng/khách, chỉ bằng 83,23% so với cả tỉnh.

Dù số lượng khách còn thấp nhưng khảo sát cho thấy, khách du lịch cộng đồng đến Quảng Ninh có xu hướng tăng lên khoảng trên 10%/năm. Cơ hội cho phát triển du lịch cộng đồng lớn vì xu thế của thế giới, của du khách hiện hướng đến các giá trị trải nghiệm từ du lịch. Tuy nhiên, thách thức cũng không nhỏ bởi sự cạnh tranh giữa các vùng, miền, các quốc gia với nhau.

Trong khi đó, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho phát triển du lịch cộng đồng của Quảng Ninh hiện nay còn hạn chế, thiếu đồng bộ, cần đầu tư, nâng cấp cả về số lượng, cơ cấu và chất lượng. Quy mô và chất lượng đội ngũ lao động phục vụ hoạt động du lịch cộng đồng của tỉnh, như trên đã nói, còn chưa tương xứng với yêu cầu ngày càng cao và đa dạng của du khách. Hoạt động du lịch cộng đồng của tỉnh chịu ảnh hưởng của tính mùa vụ, nên hiệu quả chưa cao…

Đây là những vấn đề mà Quảng Ninh cần tháo gỡ để sớm thúc đẩy sự phát triển của du lịch cộng đồng tương xứng với tiềm năng, góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương, nhất là ở các vùng khó khăn.

Phan Hằng

Các tin khác
Lượt truy cập:
Trực tuyến:
CHÍNH QUYỀN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG NINH
Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân Tỉnh Quảng Ninh
Hỗ trợ:
Điện thoại: 1900.558.826
Email: chinhquyendientu@quangninh.gov.vn