DỊCH VỤ CÔNG


TÌNH HÌNH
XỬ LÝ


HỎI ĐÁP

TIN TỨC
Đảm bảo điều kiện làm việc cho thợ lò

Để tạo sức hút cho ngành than trong bối cảnh cạnh tranh lao động hiện nay, TKV chủ trương không ngừng cải thiện điều kiện làm việc và nâng tầm vị thế của lao động hầm lò. Tại các mỏ, máy móc dần thay thế sức người trong nhiều công đoạn sản xuất. Từ lao động thủ công trước kia, thợ lò ngày nay trở thành những người làm chủ dây chuyền công nghệ để tạo ra sản phẩm. Với chủ trương xây dựng mỏ hầm lò hiện đại, trả lương cao, TKV đang đi đúng hướng trong mục tiêu tạo sức hút mới và giữ chân người lao động.

Gắn bó với nghề mỏ và những đường lò của Than Dương Huy đã 25 năm, hơn ai hết, anh Nguyễn Văn Thắm, Quản đốc Phân xưởng Khai thác Than 10, cảm nhận rõ sự đổi thay của cái nghề “ăn cơm dương gian, làm việc âm phủ”. Thời anh mới vào nghề, thợ lò phải “cuốc bộ” cả cây số mới đến được vị trí sản xuất. Một cây số không phải quãng đường quá xa, nhưng thợ lò Dương Huy ngày ấy phải mất hàng tiếng đồng hồ mới đến được nơi làm việc. Đi lại dưới lò không dễ dàng như trên mặt đất. Đường lò chật hẹp, nhiều chướng ngại vật, thiếu ánh sáng. Đi bộ không thôi đã vất vả, thợ lò còn phải tự mình mang vác vật tư nặng đến hàng tạ như gỗ chống lò.

Phương pháp khai thác than ngày ấy chủ yếu là thủ công, dùng sức người là chính. Lò chợ được chống giữ bằng gỗ. Máy móc, thiết bị cơ giới cũng có nhưng rất hạn chế. Lò thông gió tự nhiên. Quạt chỉ được bố trí cục bộ ở một số điểm, nhưng công suất nhỏ, tác dụng thông gió rất thấp. Điều kiện vi khí hậu không được đảm bảo, thợ lò thường xuyên phải “sống chung” với khói thuốc mìn và bụi than. “Thế mới nói, làm thợ lò ngày nay sướng hơn xưa nhiều lắm!” - anh Thắm nhận định.

Để chứng minh mình không hề “nói quá”, vị quản đốc mời tôi và ê-kip cùng trải nghiệm một ca sản xuất của Phân xưởng Khai thác Than 10. Trên chuyến song loan quen thuộc, anh hào hứng giới thiệu: “Đây là phương tiện vận tải hỗ trợ đắc lực cho thợ lò ở Công ty chúng tôi. Đường lò vận tải có chiều dài trên 600m này, nếu đi bộ thì rất vất vả. Nhưng với song loan chở người thì chúng tôi chỉ mất khoảng 8 phút là đến sân ga, sau đó sẽ tiếp tục được vận chuyển bằng một chuyến song loan khác vào gần vị trí sản xuất. Tổng quãng đường di chuyển là gần 3km, nhưng chúng tôi chỉ mất từ 20-25 phút”.



Sử dụng xe song loan để giảm thiểu sức lao động.

Đường lò vận tải khá cao và thoáng, nhưng khi tôi đến được gương than ở một lò chợ của Phân xưởng Khai thác Than 10, không gian dần thu hẹp lại. Đó là nơi những người thợ lò đang miệt mài khai thác từng tấn vàng đen cho Tổ quốc.

Gương có tiết diện hẹp - khoảng 4,4m2, nhờ điều kiện thông gió tốt nên dù làm việc ở không gian hẹp, hàm lượng bụi trong gương lò được giảm đáng kể. Anh Nguyễn Tiến Khôi, thợ lò bậc 5/6 của Phân xưởng cho biết: “Điều kiện vi khí hậu tốt giúp thợ lò chúng tôi đảm bảo được sức khỏe. Nhiều hôm ra lò mà chân tay, mặt mũi anh em thợ vẫn khá sạch sẽ”.

Khoảng 4 tháng nữa, lò chợ của Phân xưởng Khai thác Than 10 sẽ được chuyển đổi công nghệ từ giá khung thủy lực di động XDY sang giàn chống mềm ZRY - cho phép khai thác than ở những vị trí nhỏ, hẹp, độ dốc lớn và an toàn tuyệt đối. Như vậy, cùng với 2 lò chợ giá xích, 3 lò chợ giá khung phân thể, 1 lò chợ cơ giới hoá đồng bộ và 1 lò chợ khai thác bằng giàn chống mềm ZRY, điều kiện làm việc của thợ lò Dương Huy sẽ ngày càng hiện đại, năng suất và an toàn.



Nhiều thiết bị hiện đại được các đơn vị ngành than đưa vào sản xuất.

Cùng với Than Dương Huy, hiện nay TKV đang vận hành 11 dây chuyền cơ giới hóa khai thác than hầm lò với mức độ cơ giới hóa trung bình đạt 13,8%/năm, tăng hơn 4 lần so với giai đoạn trước. Trong công tác đào lò, TKV đầu tư và đưa vào sử dụng 10 máy combai đào lò, 26 xe khoan tự hành, 215 máy xúc các loại, 54 máy cào đá và trên 1.400 máy khoan cầm tay các loại. Mức độ cơ giới hóa đào lò của các mỏ đã tăng gấp 2,25 lần so với giai đoạn 10 năm về trước. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia ngành mỏ, điều kiện làm việc ở các mỏ hầm lò của TKV đã tiệm cận các quốc gia có ngành công nghiệp khai khoáng phát triển trên thế giới.

Làm việc trong môi trường hiện đại cũng giúp năng suất lao động và thu nhập của thợ lò được tăng lên. Hiện nay, bình quân một ngày công đi lò, thợ lò thu nhập từ 800.000-1.000.000 đồng/người. Theo thống kê của TKV, thu nhập bình quân của thợ lò năm 2020 đạt khoảng 20 triệu đồng/tháng, tăng trên 13% so với năm 2019.

Ngoài lương hưởng theo sản phẩm, thợ lò còn được doanh nghiệp hỗ trợ những khoản thu nhập mà họ không phải đóng thuế thu nhập cá nhân như ăn định lượng, đưa đón đi làm, tắm nước nóng, rửa mũi, giặt quần áo bảo hộ lao động, hỗ trợ chi phí ở nhà tập thể. Được biết, đây không phải là chế độ bắt buộc, mà là doanh nghiệp tự bỏ chi phí để hỗ trợ người lao động.

Trong tương lai gần, tương quan lực lượng lao động trong TKV sẽ chuyển dịch về nhóm lao động có chuyên môn, kỹ thuật cao vì các khâu sản xuất than, khoáng sản, điện lực, hoá chất, cơ khí… sẽ dần được tự động hoá, cơ giới hoá đồng bộ hay từng phần, do vậy lực lượng kỹ sư hoặc công nhân kỹ thuật được đào tạo chuyên sâu sẽ là lực lượng lao động công nghệ chính. Mặt khác, Tập đoàn đã và đang thực hiện chính sách tiết giảm lao động phục vụ, phụ trợ nên dần dần các lao động của khâu này sẽ dịch chuyển sang các nhà cung cấp dịch vụ.

Hoàng Yến

Các tin khác
Lượt truy cập:
Trực tuyến:
CHÍNH QUYỀN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG NINH
Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân Tỉnh Quảng Ninh
Hỗ trợ:
Điện thoại: 1900.558.826
Email: chinhquyendientu@quangninh.gov.vn