DỊCH VỤ CÔNG


TÌNH HÌNH
XỬ LÝ


HỎI ĐÁP

TIN TỨC
Tăng cường cơ giới hóa trong đào lò

Để đảm bảo sản lượng than khai thác, trung bình mỗi năm các đơn vị sản xuất than hầm lò thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) duy trì đào từ 230.000-250.000m lò. Trong lộ trình phát triển, từ nay đến năm 2025, TKV sẽ đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa đào lò, nhằm tăng tốc độ đào lò cho diện sản xuất, tiết giảm lao động thủ công và nâng cao năng suất lao động.



Đào lò bằng hệ thống máy EBH-45 tại Công ty CP Than Vàng Danh.

Trong hai năm 2019 và 2020, Công ty CP Than Vàng Danh - Vinacomin đã đầu tư và đưa vào sử dụng 2 máy đào lò mã hiệu EBH-45. Đây là dạng máy combai đào lò loại nhẹ, có trọng lượng chỉ khoảng 9,5 tấn, bằng 1/3 máy AM-50Z đã sử dụng trước đó. Trọng lượng nhẹ là một lợi thế giúp máy có thể di chuyển linh hoạt ngay cả trong đường lò có nước hay nền mềm yếu. Nhờ được tích hợp thêm đầu búa căn đá và gầu xúc nên EBH-45 có thể thao tác thuận lợi tại các trụ vách nối đột ngột và có độ cứng cao.

Từ tháng 11/2019, Than Vàng Danh đưa dây chuyền đào lò EBH-45 số 1 vào sử dụng và tính đến nay đã thi công tại 6 đường lò với tổng chiều dài đã đào là 1.350m. Sau hiệu quả thu được với máy đào lò combai EBH-45 số 1, tháng 10/2020, Công ty CP Than Vàng Danh tiếp tục đưa máy EBH-45 số 2 vào sử dụng. Đến nay, máy này đã được thi công tại 4 đường lò với tổng chiều dài là 760m lò, tốc độ đào lò tháng cao nhất đạt 206m/tháng.

Theo ông Vương Minh Thu, Phó Giám đốc Công ty CP Than Vàng Danh - Vinacomin, cả hai dây chuyền đào lò bằng máy combai EBH-45 này đều cho năng suất lao động tăng gấp đôi so với sơ đồ công nghệ đào lò bằng khoan nổ mìn thủ công. Về giá thành đào lò thì giảm gần 2 triệu đồng/mét lò so với phương pháp cũ ở cùng tiết diện. Đặc biệt, với công tác an toàn, việc sử dụng hai loại máy này đã loại bỏ các rủi ro liên quan đến vật liệu nổ. Mức độ nặng nhọc và cường độ làm việc của người lao động cũng được giảm thiểu đến mức thấp nhất, khi mọi thao tác điều khiển máy được người thợ lò thực hiện một cách đơn giản.

Ông Thu cho biết thêm, hiện nay, tốc độ đào lò của Than Vàng Danh đang đạt mức bình quân từ 172,6-309m/tháng, năng suất lao động bình quân từ 0,34-0,66m/người-ca. Tốc độ và năng suất lao động này đều tăng từ 13-80% so với sơ đồ đào lò sử dụng phương pháp truyền thống.



Sử dụng máy xúc lật hông trong đào lò ở Công ty CP Than Mông Dương.

Cùng với Than Vàng Danh, Công ty Than Nam Mẫu - TKV cũng là một trong những đơn vị tích cực đổi mới công nghệ đào lò theo hướng tăng cường cơ giới hóa. Cuối tháng 5/2020, Công ty này đã đưa máy khoan xúc đa năng vào vận hành thử nghiệm tại Phân xưởng Đào lò 1 ở mức -50. Đây là công nghệ khai thác tiên tiến, hiện đại nhất trong toàn Tập đoàn được Công ty ứng dụng đầu tiên.

Theo đánh giá của lãnh đạo công ty, sau gần 1 năm đưa máy khoan bốc xúc đa năng vào sử dụng, hiệu quả thu được khá toàn diện, vừa tăng năng suất, đẩy nhanh tiến độ đào lò, vừa giảm nhân lực. Trong điều kiện tiết diện lò khoảng 15,6m2, tốc độ đào lò của công nghệ này đạt 60m/tháng; năng suất lao động 0,08m/công/ca; chi phí sản xuất khoảng 55,6 triệu đồng/mét lò. Những thông số kỹ thuật thu được này cao hơn so với công nghệ truyền thống (sử dụng thiết bị khoan bằng máy khí nén cầm tay - tốc độ chỉ đạt 45m/tháng, năng suất lao động 0,05m/công/ca, nhưng chi phí sản xuất lên tới hơn 67 triệu đồng/mét lò).

Tuy cơ giới hóa mang lại nhiều lợi ích, song do điều kiện địa chất khác nhau, không phải mỏ nào cũng có thể áp dụng cùng một sơ đồ công nghệ đào lò. Trong khi Than Vàng Danh thuận lợi áp dụng dây chuyền cơ giới hóa đồng bộ đào lò sử dụng combai hạng nhẹ EBH-45, thì nhiều mỏ khác áp dụng dây chuyền bán cơ giới hóa. Tuy vậy, hiệu quả thu được từ các dây chuyền này vẫn rất đáng kể, nhất là việc tiết kiệm được thời gian ở các khâu khoan lỗ mìn, xúc bốc, dựng vì chống lò.

Thực tế áp dụng công nghệ bán cơ giới hóa trong đào lò ở các đơn vị như Núi Béo, Dương Huy, Xây lắp mỏ, Nam Mẫu, Mông Dương... cho thấy, thời gian cho công tác bốc xúc, vận chuyển than chỉ chiếm từ 6-19% thời gian thực hiện các công đoạn khác. Trong khi đó, phương pháp đào lò thủ công ở khâu tương tự sẽ tiêu hao trên 20% thời gian cả chu kỳ đào lò. Thời gian thi công được rút ngắn cũng đồng nghĩa với tốc độ đào lò được nâng lên.

Máy móc sẽ dần thay thế sức người trong dây chuyền sản xuất than hầm lò. Các mỏ than sẽ tiến tới mô hình hiện đại, ít người, hài hòa với môi trường. Đó là xu thế phát triển bền vững của ngành công nghiệp khai khoáng thế giới và ngành Than Việt Nam cũng không ngoại lệ. Ông Nguyễn Ngọc Cơ, Phó Tổng Giám đốc TKV cho biết, từ nay đến năm 2025, TKV sẽ tiếp tục đầu tư khoảng 25 dây chuyền cơ giới hóa đào lò. Với đào lò than sẽ áp dụng máy khoan combai loại nhẹ và siêu nhẹ ở các đường lò có địa chất phù hợp, tiết diện nhỏ hơn 9,4m2; cho phép nâng tốc độ đào lò lên 130-170m/tháng. Riêng đối với công nghệ cơ giới hóa đào lò đá sẽ sử dụng xe khoan tự hành, các máy khoan xúc đa năng.

Hoàng Yến

Các tin khác
Lượt truy cập:
Trực tuyến:
CHÍNH QUYỀN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG NINH
Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân Tỉnh Quảng Ninh
Hỗ trợ:
Điện thoại: 1900.558.826
Email: chinhquyendientu@quangninh.gov.vn