DỊCH VỤ CÔNG


TÌNH HÌNH
XỬ LÝ


HỎI ĐÁP

TIN TỨC
Sau 5 năm triển khai thực hiện Luật MTTQ Việt Nam 2015

Bằng việc triển khai thực hiện tốt Luật MTTQ Việt Nam năm 2015, những năm qua, MTTQ các cấp trong tỉnh đã từng bước nâng cao uy tín và vị thế trong xã hội. Mối quan hệ công tác giữa MTTQ với cấp ủy đảng và chính quyền cùng cấp cũng được tăng cường, giúp cho các nhiệm vụ chính trị của Mặt trận ở địa phương ngày càng tạo hiệu quả rõ nét.


Trưởng Ban công tác mặt trận thôn Cửa Khẩu, xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu (người đứng) tham gia tuyên truyền pháp luật cho người dân trong thôn.

Luật MTTQ Việt Nam năm 2015 có 8 chương, 41 điều. Như vậy là so với Luật MTTQ Việt Nam năm 1999 (có 4 chương, 18 điều), luật hiện hành đã có rất nhiều đổi mới về cả bố cục, nội dung, giúp tạo hành lang pháp lý cho MTTQ và các tổ chức thành viên của Mặt trận thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình. Cụ thể gồm: Quy định về hệ thống tổ chức của MTTQ Việt Nam từ Trung ương đến địa phương; luật hóa Ban công tác mặt trận ở khu dân cư; quy định rõ nội dung, mở rộng hình thức giám sát, phản biện của MTTQ... Luật cũng đã làm rõ các mối quan hệ giữa Mặt trận với cấp ủy Đảng, các cơ quan, tổ chức và nhân dân, mà trước đây chỉ được quy định rải rác ở các luật khác, trong các văn bản của Đảng hoặc Điều lệ MTTQ Việt Nam.

Để nhanh chóng đưa Luật MTTQ Việt Nam năm 2015 đi vào cuộc sống, 5 năm qua, Ủy ban MTTQ tỉnh đã phối hợp với ngành tư pháp, các cơ quan truyền thông của tỉnh để tuyên truyền, phổ biến luật trong toàn hệ thống từ tỉnh đến cơ sở. Đồng thời thường xuyên cụ thể hóa các quy định mới vào chương trình phối hợp, thống nhất hành động hằng năm của các cấp.


Luật MTTQ Việt Nam 2015 đã chính thức "luật hóa" Ngày truyền thống MTTQ và Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân 18/11 hằng năm. (Trong ảnh: Ngày hội tại phường Cẩm Trung, TP Cẩm Phả năm 2020).

Như tại Điều 3 của luật này quy định rõ 7 quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam. Trong đó, nội dung “Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện quyền làm chủ, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước” đã được cụ thể vào cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, thi đua “Xây dựng xã, phường, thị trấn văn minh”, phong trào “Toàn dân đoàn kết phòng, chống dịch Covid-19; phát hiện, tố giác tội phạm, người nhập cảnh trái phép, người trốn, người không chấp hành nghiêm cách ly” trên địa bàn toàn tỉnh...

Nội dung “Tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước” của Điều 3 cũng đã được thể hiện rõ qua việc MTTQ các cấp trong tỉnh phối hợp ngày càng chặt chẽ hơn với HĐND, UBND và các đơn vị liên quan trong tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri các địa phương. Các kiến nghị của cử tri, tình hình dư luận trong nhân dân cũng được Mặt trận tổng hợp, phản ánh khách quan, toàn diện đến cấp ủy, chính quyền. Từ đó góp phần quan trọng để không ngừng nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, phát huy dân chủ tại cơ sở, hướng tới sự hài lòng của nhân dân.


Uỷ ban MTTQ tỉnh giám sát công tác chuẩn bị bầu cử tại TP Hạ Long, ngày 14/4. Ảnh: Kim Cương (Ủy ban MTTQ tỉnh)

Theo ông Đỗ Mạnh Hùng, Trưởng Ban Dân chủ - Pháp luật của Ủy ban MTTQ tỉnh, Luật MTTQ Việt Nam cũng là một trong những cơ sở để MTTQ tỉnh nâng cao hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội. Cụ thể là đã hoàn toàn chủ động trong việc xác định nội dung, hình thức thực hiện, đáp ứng yêu cầu và sự mong đợi của nhân dân. Bởi luật đã quy định rõ nội dung giám sát của MTTQ là với việc thực hiện chính sách, pháp luật có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Hình thức giám sát đa dạng, gồm: Tham gia giám sát với cơ quan quyền lực Nhà nước hoặc tự mình giám sát thông qua nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan có thẩm quyền; vận động nhân dân giám sát thông qua hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng...

Còn phản biện xã hội là việc nhận xét, đánh giá, nêu chính kiến, kiến nghị đối với dự thảo văn bản pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án của cơ quan Nhà nước. Mặt trận phản biện bằng các phương pháp như: Tổ chức hội nghị phản biện xã hội; gửi dự thảo văn bản được phản biện đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để lấy ý kiến phản biện xã hội; tổ chức đối thoại trực tiếp giữa MTTQ với cơ quan, tổ chức có dự thảo văn bản được phản biện xã hội.

Như vậy, Luật MTTQ Việt Nam đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của MTTQ. Nội dung, hình thức, chất lượng các hoạt động của Mặt trận cũng được đổi mới, tạo dấu ấn rõ nét.

Hoàng Giang

Các tin khác
Lượt truy cập:
Trực tuyến:
CHÍNH QUYỀN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG NINH
Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân Tỉnh Quảng Ninh
Hỗ trợ:
Điện thoại: 1900.558.826
Email: chinhquyendientu@quangninh.gov.vn