DỊCH VỤ CÔNG


TÌNH HÌNH
XỬ LÝ


HỎI ĐÁP

TIN TỨC
Vi Thị Mai - Nghệ nhân may thêu trang phục Sán Chỉ

Đến thôn Khe Lò, xã Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ, người dân ở đây ai cũng biết đến bà Vi Thị Mai - nghệ nhân may trang phục truyền thống của người Sán Chỉ.

Nghệ nhân may thêu trang phục Sán Chỉ Vi Thị Mai bên chiếc máy khâu đã gắn bó với bà gần 40 năm nay.

Bà con nơi đây không chỉ yêu mến bà - một người hàng xóm hiền lành, thân thiện, mà còn nể phục bà vì sự khéo léo và là người duy nhất đến thời điểm hiện tại còn gìn giữ và bảo tồn được nghề may thêu trang phục truyền thống dân tộc Sán Chỉ tại huyện Ba Chẽ.

Miệt mài bên chiếc máy khâu có tuổi đời gần 40 năm, bà Vi Thị Mai kể: Tôi biết may thêu trang phục truyền thống của dân tộc từ lúc 11, 12 tuổi. Hồi nhỏ được xem bà với mẹ may thêu, đến khi lớn chút, hiểu chuyện thì bà với mẹ dạy cho. Đã là phụ nữ Sán Chỉ thì ai cũng phải biết thêu thùa may vá.

Theo bà Mai cho hay thì ngày xưa, để may được một bộ trang phục truyền thống phải trải qua rất nhiều công đoạn, từ nhuộm vải thành miếng vải đơn thuần rồi may thành một bộ trang phục hoàn chỉnh, sau đó lại thêu họa tiết hoa văn lên gấu áo, gấu quần. Đó là cả một quá trình kiên trì, nhẫn nại của những người phụ nữ Sán Chỉ.

Trang phục của dân tộc Sán Chỉ tuy đơn giản và không rực rỡ như trang phục của người Mông, người Dao, nhưng vẫn có những nét độc đáo riêng. Phụ nữ Sán Chỉ luôn mặc váy chàm dài ngang bọng cổ chân, áo mặc theo cặp.

Ngày nay, để tiện cho việc sinh hoạt thường ngày, bà con thường mặc quần dài màu đen thay cho váy. Áo trong thường do sở thích của từng người chọn kiểu và màu sắc, nhưng thường là áo sáng màu; áo ngoài là áo chàm có hai mảnh, chiều dài áo ngang cùng với váy. Khi mặc trang phục truyền thống của dân tộc phải vấn tóc, đội khăn màu đen và đeo thêm vòng cổ, vòng tay bằng bạc.

Trang phục nam đơn giản hơn, nhưng lại toát lên vẻ đẹp khỏe khoắn, mạnh mẽ với áo màu chàm được may theo kiểu bà ba có hai túi rộng; quần dài, cạp chun, ống quần rộng.

Nghệ nhân Vi Thị Mai mong muốn truyền dạy lại cách may, thêu thùa trang phục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Tất cả các công đoạn để làm ra 1 bộ trang phục Sán Chỉ trước đây đều làm bằng tay, mất nhiều thời gian và vất vả, vì vậy bà Mai đã quyết định mua một chiếc máy khâu. Bà đã bán một con trâu được 50 nghìn đồng rồi mang xuống phố đổi lấy chiếc máy khâu. Thế là từ đó, bà gắn đời mình với việc may quần áo và thêu hoa văn trên trang phục của người dân tộc Sán Chỉ cùng chiếc máy khâu này.

Hàng ngày, bà Vi Thị Mai vẫn ra đồng làm ruộng như bao người dân trong thôn. Thỉnh thoảng lúc nông nhàn, trong thôn ai có quần áo hay trang phục truyền thống cần sửa chữa, may mới để đi lễ, đi hội thì lại mang sang nhờ bà làm giúp. Đôi khi trong huyện có những sự kiện quan trọng cần có những bộ trang phục lộng lẫy của dân tộc Sán Chỉ là người ta lại tìm đến bà, đặt hàng bà may cho.

Ngoài việc nắm rõ ý nghĩa trong từng chi tiết của bộ trang phục, bà Mai còn có thể tự may hoàn chỉnh một bộ trang phục của người Sán Chỉ, từ trang phục thường ngày cho đến những bộ cánh dành cho những ngày lễ quan trọng như đám cưới, lễ tết. Bà tỉ mẩn may từ viền áo, đến những chiếc đai lưng, rồi khăn buộc chân.

Khi may được chiếc áo hoàn chỉnh, bà lại tiếp tục luồn kim thêu từng họa tiết hoa văn sặc sỡ lên trên nền áo. Chính nhờ nghề may thêu trang phục truyền thống của dân tộc mà bà Mai đã trở thành tấm gương cho hết thảy phụ nữ trong thôn noi theo.

Nay bà tuổi ngày một cao, mắt đã mờ, tay đã run, việc thêu thùa cũng không còn nhanh nhẹn được như trước. Để bảo tồn những nét đẹp văn hóa truyền thống, đặc biệt là trang phục không bị mai một cùng thời gian, bà Vi Thị Mai đã tích cực truyền dạy lại cách may, thêu thùa trang phục truyền thống cho thế hệ trẻ, đặc biệt là cho các cô gái trong thôn bản của mình và tại các lớp truyền dạy nghề truyền thống các dân tộc do huyện Ba Chẽ tổ chức. Bà luôn hy vọng lớp trẻ sẽ yêu nghề, chịu khó học hỏi để bảo tồn nét văn hóa truyền thống của dân tộc.

Có thể nói, việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, dân gian là việc làm bức thiết, trong đó rất cần những người tâm huyết, yêu nghề như bà Vi Thị Mai. Mong rằng trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều bạn trẻ tìm đến học may thêu để nghệ thuật may thêu trang phục truyền thống của người Sán Chỉ được gìn giữ và bảo tồn cho muôn đời sau.

 

Phương Dung

Các tin khác
Lượt truy cập:
Trực tuyến:
CHÍNH QUYỀN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG NINH
Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân Tỉnh Quảng Ninh
Hỗ trợ:
Điện thoại: 1900.558.826
Email: chinhquyendientu@quangninh.gov.vn