DỊCH VỤ CÔNG


TÌNH HÌNH
XỬ LÝ


HỎI ĐÁP

TIN TỨC
Đắm say sắc đỏ...

Có nhiều người nói rằng, ấn tượng khó quên nhất về huyện Bình Liêu chính là hình ảnh những người phụ nữ Dao Thanh Phán trong trang phục truyền thống với sắc đỏ - đen rực rỡ ngồi thêu thùa bên bờ suối, gốc cây, hay ngược xuôi trong phiên chợ. Một bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Dao Thanh Phán khá cầu kỳ, đa phần do chị em tự tay may thêu với kỹ năng thêu tỉ mỉ và tinh tế. Đặc biệt, nếu là trang phục cô dâu thì càng thêm phần tinh xảo.


Dường Sám Múi là người dân tộc Dao Thanh Phán, tại thôn Nà Pò, xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu.

Dường Sám Múi là một trong 16 thí sinh xuất sắc được lựa chọn tham gia chung kết hội thi Người trình diễn trang phục dân tộc đẹp nhất huyện Bình Liêu năm 2022. Bên cạnh trang phục mặc thường ngày, cô gái người Dao Thanh Phán sinh năm 1991 lựa chọn dự thi với bộ trang phục truyền thống của cô dâu Dao Thanh Phán tinh xảo và cầu kỳ hơn gấp nhiều lần. Mỗi lớp áo, lớp khăn cho đến dải thắt lưng trắng... đều phải được chau chuốt, tỉ mỉ đến từng nếp gấp, từng nút cài nhỏ. Để thật sẵn sàng cho đêm chung kết, Múi phải nhờ mẹ, bác gái và chị gái cùng đến hỗ trợ.

Chị chia sẻ: “Lần đầu tham gia sự kiện văn hóa lớn như vậy, với tôi là một niềm vui lớn. Quan trọng hơn, tôi muốn thông qua cơ hội này để được giới thiệu với bạn bè khắp bốn phương về nét đẹp văn hóa truyền thống thể hiện trên bộ trang phục của dân tộc mình”.


Dường Sám Múi học thêu thùa từ những người phụ nữ lớn tuổi trong gia đình.

Những cô gái Dao Thanh Phán ở Bình Liêu như Dường Sám Múi vẫn đang tiếp nối bản sắc văn hóa độc đáo thông qua những bộ trang phục truyền thống. Trong cuộc sống hiện đại đã không cần phải tự tay se sợi, dệt vải, nhưng họ vẫn ra chợ phiên mua vải, mua chỉ và các vật liệu khác để tự tay may áo cho mình. Cầm trên tay một phần vạt áo còn đang thêu dở, Dường Sám Múi giải thích cho chúng tôi hiểu về ý nghĩa của sắc đỏ chủ đạo rực rỡ, nổi bật trên nền vải đen. Đó là quan niệm của đồng bào Dao về dùng màu sắc để tự bảo vệ mình khi vào rừng, lên nương, khiến cho thú dữ sợ hãi, không dám lại gần. Màu sắc cũng là một trong những điểm khác biệt cơ bản, dễ nhận thấy nhất giữa trang phục của các nhóm dân tộc khác tại địa phương. Đơn cử như người Tày và Sán Chỉ ở Bình Liêu không sử dụng cách thêu màu sặc sỡ, mà chỉ nhuộm màu chàm và xanh dương cho trang phục của mình.

Dường Sám Múi còn hào hứng hơn nữa khi nói về từng họa tiết nhỏ nhắn đầy tinh xảo được thêu hoàn toàn thủ công. Dường như từng đường kim, mũi chỉ cũng đang chứa đựng những câu chuyện về đời sống tinh thần, tín ngưỡng, văn hóa, quan niệm về vũ trụ, nhân sinh... rất phong phú của cộng đồng người Dao Thanh Phán nơi đây. Điều đáng nói là phụ nữ đồng bào Dao đều tự tay may trang phục cho cả gia đình theo phương pháp thủ công truyền thống rất cầu kỳ và thường do các bà, các mẹ dạy con gái từ khi con còn nhỏ. Nếu chỉ riêng áo, người khéo léo, có tay nghề may thêu giỏi cũng phải mất hơn 1 tháng mới xong. Còn nếu muốn hoàn thiện đủ bộ gồm áo, quần, khăn vấn đầu, khăn quàng cổ, đai áo, dây thắt lưng và các đồ trang sức khác đi kèm... thì có khi mất đến vài năm.

 


Dường Sám Múi được bác gái và chị gái giúp mặc trang phục cô dâu Dao Thanh Phán.

Riêng việc thêu một đôi ống quần thôi cũng đã thấy thật cầu kỳ. Hàng đầu tiên từ trên xuống bắt buộc phải là họa tiết hình móng chân và chân chó là biểu tượng của tổ tiên người Dao. Đó là cách để con cháu Bàn Vương thể hiện lòng tưởng nhớ và niềm tin rằng tổ tiên sẽ vẫn luôn phù hộ con cháu, ban cho những điều may mắn, thuận lợi, tránh được tai ương. Những hàng thêu bên dưới là những họa tiết miêu tả về cuộc sống văn hóa, lao động của đồng bào Dao Thanh Phán. Đó là họa tiết đôi chim thể hiện mong ước cuộc sống hài hòa, viên mãn, sinh sôi; còn có các công cụ lao động như cày, bừa, các loại nông sản như cây lúa, đậu đũa, hạt giống, hoa sâm, hoa hồi, ruộng bậc thang... Chỉ thêu hoa văn thổ cẩm thì đủ màu sắc xanh, đỏ, vàng, trắng kết hợp nền vải màu đen, hòa hợp như tương quan ngũ hành. Đặc biệt, những kiến thức ấy tuy chỉ được truyền miệng, lưu giữ bằng trí nhớ qua các thế hệ phụ nữ Dao Thanh Phán, mà vẫn còn tồn tại bền bỉ cho đến ngày nay.


Dường Sám Múi trên sân khâu hội thi Người trình diễn trang phục dân tộc đẹp nhất huyện Bình Liêu năm 2022.

Chiếc áo, chiếc quần sử dụng hàng ngày đã phải cắt may, thêu thùa, trang trí cầu kỳ đến vậy, bộ trang phục cưới của cô dâu Dao Thanh Phán có thể xem như một phiên bản “nâng cấp” với những yêu cầu khắt khe hơn nhiều lần. Vẫn là chiếc áo đen với viền ống tay và vạt áo 2 màu trắng đỏ, ống quần dài thêu họa tiết thổ cẩm rực rỡ, nhưng phải đồng thời mặc lồng vào nhau từ 6 đến 8 áo cùng lúc, cái trong dài hơn cái ngoài để lộ ra từng lớp chồng lên nhau.

Ngoài ra còn cài thêm những lớp khăn đỏ in họa tiết choàng trên cổ, chiếc mũ hình hộp chữ nhật bằng vải đỏ... Và phần nổi bật, rực rỡ nhất trên trang phục cô dâu Dao Thanh Phán là chiếc khăn trùm đầu với rất nhiều họa tiết tinh xảo, chỉ đội lên khi toàn thể trang phục đã được mặc trên người thật chỉn chu, tươm tất để cô dâu và chú rể làm lễ bái đường.


Phụ nữ Dao Thanh Phán đi chợ phiên Đồng Văn mua vải may áo truyền thống.

Trang phục truyền thống là một trong những nét đẹp văn hóa của người phụ nữ Dao Thanh Phán ở Bình Liêu.

Dù không đạt giải cao tại hội thi Người trình diễn trang phục dân tộc đẹp nhất huyện Bình Liêu năm 2022, Dường Sám Múi vẫn rất hài lòng khi có được trải nghiệm thú vị, cũng là dịp để cô giúp những người bạn từ khắp nơi thêm yêu mến mảnh đất Bình Liêu với nền văn hóa đa dạng, đặc sắc.

Dường Sám Múi còn kể cho chúng tôi nghe về việc mới đi dự đám cưới của một người em họ ở xã Đồng Văn. Có điều kiện kinh tế khá giả nên nhà gái cũng mời thợ trang điểm về đánh phấn, son, quay phim, chụp ảnh... rất hiện đại. Nhưng những thủ tục lễ nghi, nhất là bộ trang phục cầu kỳ có tới gần 10 lớp áo của cô dâu thì vẫn được gìn giữ. Trước nhịp sống hiện đại, những người Dao trẻ như Dường Sám Múi vẫn rất gắn bó, yêu và tự hào về văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Hoàng Giang

Các tin khác
Lượt truy cập:
Trực tuyến:
CHÍNH QUYỀN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG NINH
Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân Tỉnh Quảng Ninh
Hỗ trợ:
Điện thoại: 1900.558.826
Email: chinhquyendientu@quangninh.gov.vn