DỊCH VỤ CÔNG


TÌNH HÌNH
XỬ LÝ


HỎI ĐÁP

TIN TỨC
Khát vọng và hoài bão cống hiến

Sinh sống và làm việc tại Quảng Ninh, dù ở bất cứ lĩnh vực nào họ cũng luôn nỗ lực, cố gắng hết mình với đam mê sáng tạo và khát khao đóng góp không nhỏ cho sự phát triển KH&CN của tỉnh.    

Người thợ lò làm nên nhiều "kỳ tích"

Sinh ra trên mảnh đất Nghĩa Hưng (tỉnh Nam Định), song cuộc đời và sự nghiệp của Anh hùng Lao động Nguyễn Văn Tía (SN 1954) lại gắn liền với Quảng Ninh. Gần 50 năm gắn bó với vùng than thì 43 năm ông Tía cống hiến cho nghề mỏ và Công ty Than Mạo Khê, tạo nên nhiều "kỳ tích" trong lao động sản xuất. Từ một công nhân chống cuốc lò, ông Tía vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới”. 

Trở thành thợ lò khi mới 17 tuổi, anh công nhân Nguyễn Văn Tía đã lần đầu được biết thế nào là hầm mỏ. "Càng đi, tôi càng không thấy ánh sáng, trong cảm nhận của tôi, mọi thứ trong lò đều góc cạnh, hầm hố, lạnh lẽo, im ắng. Những tiếng bước chân, những tiếng cuốc, tiếng choòng... như vọng lại từ một thế giới khác. Tất cả đã làm một thanh niên nông thôn 17 tuổi như tôi thấy sợ; sợ đến nỗi có hôm không còn đủ sức lực để cuốc than một cách chính xác nữa. Nhưng rồi tình yêu với nghề đến lúc nào chẳng biết và cuộc đời tôi, sự nghiệp của tôi gắn liền với vùng đất này" - ông Tía chia sẻ.

Anh hùng Lao động Nguyễn Văn Tía (ngoài cùng, bên trái) ôn lại kỷ niệm ngày còn công tác với cán bộ Công ty Than Mạo Khê. 

Bằng tình yêu nghề mỏ, ông Tía đã tận lực cống hiến cho mỗi mét lò, mỗi tấn than và trở thành công nhân chống lò bậc 4 chỉ 3 năm sau đó, rồi tiếp tục được đề bạt làm Tổ trưởng Tổ sản xuất của Phân xưởng 56/3. Tinh thần dám nghĩ, dám làm của người tổ trưởng năng động đã giúp cho phong trào thi đua lao động sản xuất của Phân xưởng 56/3 ngày ấy luôn dẫn đầu toàn mỏ. 

Năm 1990, ông Tía được đề bạt làm Quản đốc Phân xưởng KT4, được giao nhiệm vụ khai thác than ở lò vỉa 6 Bình Minh. Ở cương vị mới, trách nhiệm cũng nặng nề hơn, ông Tía luôn trăn trở và tìm mọi giải pháp để đảm bảo đủ việc làm, thu nhập cho công nhân trong phân xưởng. Vai trò của phân xưởng cũng ngày càng được công ty ghi nhận, giao thêm nhiệm vụ khai thác vỉa 9B Tây từ mức -25m lên +30m. 

 Anh hùng Lao động Nguyễn Văn Tía bên bức ảnh chụp khi còn công tác.  

"Đường lò ở những vị trí này có độ dốc lớn, điều kiện địa chất không ổn định, vỉa than kẹp đá và lượng khí độc (CH4) luôn ở nồng độ cao. Để đảm bảo sản lượng than khai thác hằng ngày trong điều kiện khó khăn như vậy, tôi đã đề xuất sáng kiến chống lò khấu tận thu các trụ than bảo vệ và chủ động nghiên cứu, đề xuất với công ty cho phép áp dụng phương pháp chống cột thủy lực bằng công nghệ khai thác ngang nghiêng tại diện sản xuất của đơn vị mình quản lý. Tôi đã nghiên cứu rất kỹ và nhận thấy lò chợ vỉa 9B Tây có độ dốc lớn hơn 45 độ là điều kiện phù hợp để áp dụng kỹ thuật này. Và tôi đã thành công!" - ông Tía nhớ lại. 

Anh hùng Lao động Nguyễn Văn Tía khi còn công tác tại Công ty Than Mạo Khê. 

Một kỳ tích khác của người quản đốc đầy tâm huyết đến nay vẫn được nhiều người nhắc lại, đó là tài trí của ông trong xử lý sự cố bục nước tại mỏ vào năm 2020. Sự cố đã khiến gần 80m3 nước đổ xối xả xuống đường lò gây sập toàn bộ giàn chống thủy lực trị giá 4 tỷ đồng. Bất chấp hiểm nguy, ông Tía một mình chui vào khu vực lò bị sập xác định hiện trạng và tìm ra nguyên nhân để có biện pháp khắc phục. 16 giờ liên tục trong lò, ông be bờ lái dòng nước chảy, không cho xối vào gương than. Trong suốt 15 ngày xử lý sự cố bục nước, ông Tía và đồng đội đã triệt tiêu được nguy cơ tụt đổ lò, bảo vệ được toàn bộ số vì chống thủy lực đơn trên lò chợ, giữ được diện sản xuất. 

"Bức tường thành tích" của Anh hùng Lao động Nguyễn Văn Tía.

Với rất nhiều thành tích đạt được, thợ lò Nguyễn Văn Tía đã nhận nhiều danh hiệu cao quý, trong đó đặc biệt là được phong tặng danh hiệu "Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới". Đến nay, dù đã nghỉ hưu, song Anh hùng Lao động Nguyễn Văn Tía vẫn luôn dõi theo sự phát triển của ngành than và tự hào vì đã tận lực cống hiến những năm tháng của cuộc đời cho sự nghiệp thợ mỏ vinh quang, góp phần đào tạo nên những lớp thợ lò có kinh nghiệm và bản lĩnh vững vàng trong sản xuất.

Góp phần hồi sinh những trái tim 

Hơn 30 năm trong nghề, bác sĩ Nguyễn Thị Thoa, Trưởng khoa Tim mạch (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đã tham gia nhiều đề tài nghiên cứu KH&CN cấp tỉnh, cấp ngành về can thiệp, phẫu thuật tim mạch, được ứng dụng hiệu quả trong công tác khám, chữa bệnh. Thế nhưng, khi được hỏi về cơ duyên đến với nghề, bác sĩ Nguyễn Thị Thoa tâm sự: Tôi chưa từng nghĩ có một ngày sẽ trở thành bác sĩ, bởi mỗi lần nhìn thấy máu là tôi rất sợ. Song từ mong muốn của bố mẹ, tôi đã quyết định theo nghề y. 

Bác sĩ Nguyễn Thị Thoa, Trưởng khoa Tim mạch (Bệnh viện Đa khoa tỉnh).

Tốt nghiệp bác sĩ đa khoa Trường Đại học Y Thái Nguyên, năm 1993 bác sĩ Thoa về công tác tại Trạm Y tế phường Cẩm Phú (TP Cẩm Phả), sau đó chuyển về công tác tại Khoa Hồi sức cấp cứu, rồi Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh). Thời gian công tác từ tuyến y tế cơ sở và trải qua thực tiễn ở nhiều khoa trong bệnh viện đã giúp bác sĩ Thoa tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm.

Chưa bằng lòng với chính mình, bác sĩ Nguyễn Thị Thoa đã tự trau dồi thêm kiến thức ngành y với khóa đào tạo thạc sỹ tại Học viện Quân y và tốt nghiệp năm 2005. Thời điểm này, hệ thống bệnh viện tuyến tỉnh chưa có nhiều bác sĩ trình độ thạc sĩ. Năm 2007, bác sĩ Thoa được bổ nhiệm làm Trưởng khoa Tim mạch - Hô hấp (Bệnh viện Đa khoa tỉnh). Vốn đam mê công việc và không ngừng học hỏi, sau khi trở thành người đứng đầu khoa, bác sĩ Thoa càng đặt mình vào trọng trách lớn và là người đầu tiên triển khai thành công kỹ thuật nội soi phế quản ống mềm, cùng nhiều kỹ thuật cấp cứu về tim mạch, hô hấp tại bệnh viện, mang lại cơ hội sống cho rất nhiều bệnh nhân. 

Thành công từ say mê nghiên cứu, ứng dụng KH&CN vào điều trị các bệnh lý tim mạch của bác sĩ Thoa phải kể đến đề tài nghiên cứu “Ứng dụng điều trị triệt đốt các rối loạn nhịp tim qua đường ống thông bằng sóng có năng lượng tần số radio (RF)”. Đề tài đã đoạt giải nhất Hội thi Sáng tạo KHKT tỉnh lần thứ VI và giải ba Hội thi Sáng tạo KHKT toàn quốc lần thứ XIV, đồng thời được vinh danh trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam 2018.

Năm 2019, bác sĩ Thoa vinh dự trở thành Ủy viên Ban Chấp hành Hội Tim mạch Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Điện sinh lý và tạo nhịp tim Việt Nam, Chủ tịch Hội Tim mạch tỉnh Quảng Ninh. 

Bác sĩ Nguyễn Thị Thoa trở thành thành viên chính thức của Liên đoàn Tim mạch Đông Nam Á năm 2019.

Cơ hội phát triển tay nghề cho bác sĩ Thoa ngày càng mở ra khi ngành y tế Quảng Ninh tích cực đầu tư cho lĩnh vực điều trị tim mạch. Trên cơ sở thành công với các kỹ thuật phẫu thuật tim hở và phẫu thuật mạch máu từ trước đó, năm 2019, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp tục triển khai kỹ thuật xạ hình SPECT tưới máu cơ tim với nhân lực chủ công là Khoa Tim mạch, giúp người dân trên địa bàn tỉnh và các vùng lân cận được thụ hưởng thành tựu của y học thế giới. 

"Chúng tôi đã triển khai và thực hiện thành công nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật đặc biệt khó tại khoa, như: Chụp, nong và đặt sten mạch vành, chụp và đặt sten mạch chi, mạch cảnh, chụp động mạch thận, thăm dò điện sinh lý và điều trị rối loạn nhịp bằng sóng cao tần (RF), đặt máy tạo nhịp cấp cứu ngoài lồng ngực, đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn, điều trị laser nội tĩnh mạch... Những kỹ thuật này trước đây chỉ thực hiện được ở bệnh viện tuyến Trung ương" - bác sĩ Nguyễn Thị Thoa cho biết. 

Bác sĩ Nguyễn Thị Thoa (đứng giữa) thăm khám cho bệnh nhân ở Khoa Tim mạch (Bệnh viện Đa khoa tỉnh).

Dù đã đạt nhiều thành tựu trong nghề, nhưng nữ Trưởng khoa Tim mạch vẫn không ngừng học hỏi, nghiên cứu, ứng dụng kiến thức để phát triển tay nghề. Năm 2021, giải pháp “Ứng dụng kỹ thuật can thiệp nội tĩnh mạch bằng laser hoặc sóng cao tần (RF) trong điều trị suy tĩnh mạch nông chi dưới mạn tính” của bác sĩ Nguyễn Thị Thoa cùng các cộng sự đã được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng bằng Lao động sáng tạo. 

“Nhà khoa học của nhà nông”

Cuối năm 2022, anh Lý Văn Diểng vinh dự trở thành điển hình duy nhất của Quảng Ninh được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh danh hiệu "Nhà khoa học của nhà nông", với công trình ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo để sản xuất giống và phát triển gà Tiên Yên.

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Tiên Yên, anh Lý Văn Diểng (SN 1970, người dân tộc Sán Dìu), hiện đang là Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tiên Yên. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, anh Diểng đã ấp ủ ước mơ trở thành một nông dân khoa học. Bởi lý tưởng của anh là khai thác và phát triển tiềm năng nông nghiệp địa phương bằng con đường ứng dụng KH&CN, tìm hướng đi bền vững.

Tên tuổi của anh Diểng gắn với giống gà bản địa như một cơ duyên đặc biệt từ nhiều năm về trước. Gần 13 năm trước, người dân trong huyện lan truyền câu chuyện về người đàn ông "khùng" Lý Văn Diểng, suốt ngày chạy theo mấy con gà bản địa, lặng lẽ quan sát hàng giờ đồng hồ chỉ để tìm cách thụ tinh nhân tạo, nhân giống cho chúng.

Những người am hiểu về chăn nuôi cho rằng ý tưởng đó của anh Diểng tuy không tồi, nhưng không thể thực hiện được, vì bộ phận giao cấu của loài gà khác với những loài vật khác. Bản thân anh Diểng cũng thừa nhận điều đó. "Bộ phận giao cấu ở gà chỉ là một cái gai nhọn và lại không thò ra ngoài. Làm thế nào để kích thích con đực rồi lấy tinh trùng của nó mà phối giống với con mái đã trở thành mục tiêu lớn nhất của tôi trong gần 3 năm (2010-2013). Giờ nghĩ lại cũng thấy mình khùng thật, nhưng nếu không như vậy, thì chả có đam mê nào đi đến được thành công” - anh Diểng tâm sự.

Thạc sỹ Lý Văn Diểng mày mò nghiên cứu cách để thụ tinh nhân tạo cho giống gà Tiên Yên.

Để tìm được lời giải cho bài toán thụ tinh nhân tạo ở loài gà, 3 năm đó anh Diểng gần như dành toàn bộ thời gian để nghiên cứu tài liệu, đi tìm hiểu thực tế ở nhiều cơ sở nghiên cứu gia cầm, tự thực nghiệm và rút kinh nghiệm sau mỗi lần thất bại.

Sau cùng, trời không phụ lòng người, anh Diểng đã thành công. Lứa gà đầu tiên được thụ tinh nhân tạo cho tỷ lệ có phôi đạt 81,3%; tỷ lệ ấp nở trên trứng có phôi đạt 88,5%; tỷ lệ gà sống đến 21 ngày tuổi đạt trên 94%. Vậy là hành trình thụ tinh nhân tạo cho giống gà Tiên Yên huyền thoại, từ chuyện không thể đã thành hiện thực.

Anh Lý Văn Diểng (đứng giữa) kiểm tra chất lượng trứng gà đẻ bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo.

"Khi những con gà mái đầu tiên đẻ trứng bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, những quả trứng được đưa vào máy ấp trứng với chu trình ấp nhân tạo gần như giống hệt quá trình ấp tự nhiên. Thiết bị này giúp tỷ lệ ấp nở thành công đạt trên 90%, cao hơn so với ấp tự nhiên. Quy trình chăm sóc đàn gà cũng hết sức khoa học, từ khâu vệ sinh chuồng trại, thức ăn chăn nuôi, kiểm soát dịch bệnh... cơ bản đều được thực hiện bằng máy móc, thiết bị" - anh Diểng giới thiệu về quy trình chăn nuôi gà chuyên nghiệp của mình.

Anh Lý Văn Diểng (bên trong) thực hiện phương pháp thụ tinh nhân tạo cho giống gà Tiên Yên.

Năm 2014, anh Diểng thành lập Công ty CP Chăn nuôi và phát triển nông lâm nghiệp Phúc Long, đồng thời, tiếp tục thực hiện dự án nghiên cứu ứng dụng “Thụ tinh nhân tạo cho gà Tiên Yên để nhân giống và phát triển gà Tiên Yên” thành công hơn mong đợi. Đây là cơ sở bền vững để huyện Tiên Yên xây dựng chiến lược phát triển gà Tiên Yên thành sản phẩm chủ lực của huyện, lấy chăn nuôi gà làm mũi nhọn để thúc đẩy các hộ nông dân phát triển kinh tế.

Cùng với việc nhân giống gà Tiên Yên bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, anh Diểng đã hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật nuôi gà Tiên Yên thương phẩm cho hàng ngàn hội viên nông dân trong và ngoài huyện. Điều này đã giúp địa phương hình thành chuỗi sản xuất - tiêu thụ ổn định sản phẩm gà Tiên Yên. Đến nay, quy mô sản xuất của Công ty Phúc Long đạt 800.000-1.000.000 con giống gà Tiên Yên/năm, nâng quy mô đàn gà lên 920.000 con, tăng gấp 8 lần so với những năm đầu thực hiện dự án, với hơn 1.500 hộ dân tham gia. Thương hiệu gà Tiên Yên cũng đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công bố nằm trong TOP 50 món ăn nổi tiếng Việt Nam, được cấp chứng nhận là sản phẩm OCOP 5 sao.

Hoàng Yến

Các tin khác
Lượt truy cập:
Trực tuyến:
CHÍNH QUYỀN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG NINH
Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân Tỉnh Quảng Ninh
Hỗ trợ:
Điện thoại: 1900.558.826
Email: chinhquyendientu@quangninh.gov.vn