Từ các nhiệm vụ, hội thi, cuộc thi, phong trào sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được tổ chức hằng năm đã có hàng nghìn công trình KH&CN nghiên cứu, triển khai và ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn tại Quảng Ninh. Các công trình này không chỉ khơi dậy đam mê sáng tạo khoa học của các tầng lớp nhân dân, mà còn nâng cao năng suất lao động, đáp ứng nhu cầu của người dân, thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương.
Máy nghiền phối nguyên liệu siêu mịn tại Công ty CP Gạch ngói Đất Việt.
Công trình tận dụng đất cứng, đất tầng phủ để sản xuất gạch ngói chất lượng cao của nhóm tác giả: Nguyễn Quang Mâu, Nguyễn Quang Toàn, Nguyễn Duy Tấn (Công ty CP Gạch ngói Đất Việt) là một trong số các đề tài được đăng tải trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2021.
Theo công nghệ truyền thống, việc sản xuất gạch ngói chất lượng cao cần dùng các loại đất chất lượng cao. Các mỏ sét thông thường phải bóc lớp đất tầng phủ 3-4m mới khai thác được khoảng 5-7m đất sét đẹp để sản xuất, sau đó lại bỏ đi phần cứng có chiều dày lên tới 7-8m. Vì vậy, nhiều tầng đất khác như: Đất tầng phủ, lớp đất cứng... bị loại bỏ trong quá trình khai thác mỏ. Lượng đất bỏ đi lớn, không có chỗ chứa, phải đem đổ thải ra môi trường. Điều này gây lãng phí tài nguyên, tác động tiêu cực đến môi trường, sản xuất thiếu bền vững.
Do đó, nhóm tác giả của Công ty CP Gạch ngói Đất Việt đã nghiên cứu, áp dụng, sản xuất thành công các sản phẩm gạch ngói cao cấp từ nguyên liệu đất cứng, đất phủ tầng bằng kỹ thuật nghiền khô tạo hạt mịn đối với đất cứng, làm tăng khả năng khuyết tán khi thiếu liên kết, tăng chất lượng sản phẩm. Giải pháp này đã tạo ra sản phẩm chất lượng tốt với việc sử dụng nguyên liệu bị loại thải trước đây, ổn định nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường. Giải pháp này được đơn vị áp dụng đại trà, đáp ứng nhu cầu sản xuất, làm lợi cho đơn vị 2,3 tỷ đồng/năm.
Nhân viên y tế thực hiện bảo quản sữa mẹ hiến tặng thô trong tủ đông âm sâu. Ảnh: Nguyễn Hoa
Xuất sắc đoạt giải nhất Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật lần thứ VIII (năm 2020-2021) với đề tài Ngân hàng sữa mẹ, nhóm tác giả gồm các bác sĩ của Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh là: Lê Thị Thùy Trang, Ngô Thị Mai Hương, Nguyễn Thu Hà, Bùi Minh Cường, Lê Thuỳ Hương, Vũ Hoàng Dương đang tiếp tục duy trì hiệu quả mô hình Ngân hàng sữa mẹ. Đề tài được nhóm tác giả triển khai từ tháng 5/2019, đến ngày 1/11/2019 Ngân hàng sữa mẹ của Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh được thành lập theo Quyết định số 7962/UBND-VX3 của UBND tỉnh. Đây là mô hình đầu tiên ở khu vực miền Bắc và thứ 3 toàn quốc.
Ngân hàng sữa mẹ tại Quảng Ninh được Tổ chức FHI 360/ Alive & Thrive (Mỹ) gọi là mô hình ba trong một. Tại Bệnh viện Sản Nhi, trẻ sinh ra được chăm sóc theo chuẩn của bệnh viện thực hành nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc, sử dụng sữa mẹ thanh trùng trong trường hợp không tiếp cận được sữa mẹ ruột theo chuẩn của Ngân hàng sữa mẹ quốc tế, tư vấn dinh dưỡng và cách nuôi dưỡng trẻ từ lúc mang thai cho tới khi trẻ được 24 tháng tuổi. Điều này khắc phục được hạn chế trong việc sử dụng sữa mẹ hiến tặng tự phát chưa qua thanh trùng có tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Trước đây, tỷ lệ sử dụng sữa mẹ hoàn toàn tại Khoa Sơ sinh của Bệnh viện Sản Nhi là 1%. Sau khi có Ngân hàng sữa mẹ, tỷ lệ sử dụng sữa mẹ hoàn toàn là 100% (bao gồm sữa mẹ hiến tặng thanh trùng và sữa mẹ ruột). Nhờ đó, tỷ lệ tử vong trẻ sinh non, viêm ruột hoại tử và một số bệnh ký khác giảm mạnh. Đặc biệt, trong các đợt dịch Covid-19, Ngân hàng sữa mẹ đã giúp cho nhiều trẻ có mẹ nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19 được sử dụng sữa mẹ thanh trùng, âm tính với vi rút SARS-CoV-2, xuất viện mạnh khỏe.
Bác sĩ Lê Thị Thùy Trang (Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh), cho biết: Mô hình Ngân hàng sữa mẹ của bệnh viện đang triển khai rất hiệu quả. Sữa mẹ thanh trùng tốt hơn nhiều sữa công thức, rút ngắn thời gian điều trị một số bệnh lý ở trẻ sơ sinh, cung cấp dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ sinh non. Mô hình còn có ý nghĩa rất lớn không chỉ chăm sóc sức khỏe sinh sản, nâng cao đời sống nhân dân, mà còn góp phần thay đổi nhận thức về nuôi con bằng sữa mẹ giúp trẻ phát triển toàn diện của cộng đồng.
Trong hành trình 60 năm xây dựng và phát triển, bằng sự quan tâm của Trung ương và tỉnh, hàng nghìn nhiệm vụ, đề tài, sáng kiến KH&CN đã được nghiên cứu, áp dụng thành công vào thực tế, từ đó, mang lại nhiều giá trị, hoàn thành tốt các nhiệm vụ, thúc đẩy KT-XH địa phương. Đây cũng chính là động lực quan trọng để xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại, bền vững.