Từ mô hình chính quyền nông thôn, hiện 4 xã chuyển đổi đơn vị hành chính sang cấp phường trên địa bàn TP Đông Triều (Yên Đức, Bình Khê, Thủy An, Bình Dương) đang nỗ lực triển khai thực hiện nhiệm vụ của một chính quyền đô thị với khí thế mới, quyết tâm cao.
15 công trình cơ sở hạ tầng đã được phường Thủy An, TP Đông Triều đầu tư xây dựng trong năm 2024.
Trở thành phường từ xuất phát điểm là một địa phương thuần nông với diện tích đất nông nghiệp chiếm gần 70%, Thủy An đã có bước chuyển mình mạnh mẽ. Năm 2024, tổng giá trị sản xuất của Thủy An đạt 408,8 tỷ đồng, tăng 52 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng với tỷ trọng công nghiệp và xây dựng chiếm 40,6%, dịch vụ thương mại chiếm 39,1%, ngành lâm nghiệp và thủy sản chiếm 22,3%.
Trong năm, phường đăng ký, triển khai thi công xây dựng 15 công trình, tổng mức đầu tư trên 11,7 tỷ đồng. Hệ thống cơ sở hạ tầng nhờ đó ngày càng khang trang, đồng bộ. Đời sống người dân trên địa bàn không ngừng được cải thiện và nâng cao. Đến nay, tổng thu nhập bình quân đầu người ở Thủy An đạt 83,3 triệu đồng/người/năm, tăng 10,6 triệu đồng so với năm 2023.
Ông Vũ Xuân Thi, Chủ tịch UBND phường, cho biết: Hiện phường đang tập trung đánh giá kết quả thực trạng cũng như xây dựng định hướng phát triển thời gian tới. Dựa vào các điều kiện đặc thù của địa phương, phường sẽ chú trọng tái cơ cấu ngành nông nghiệp; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng các mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao kết hợp bao tiêu sản phẩm đảm bảo thu nhập cho người dân. Trên địa bàn có nhiều di tích lịch sử, phường sẽ chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng tạo điều kiện thuận lợi phát triển du lịch tâm linh.
Phường Thủy An sẽ chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Việc xã lên phường cũng đòi hỏi công tác quản lý nhà nước được nâng cao hơn nữa, nhất là năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ phải đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mới. Thủy An quan tâm cử cán bộ công chức tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao về chuyên môn, nghiệp vụ do cấp trên tổ chức. Tăng cường siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, chấp hành tốt nội quy, quy chế làm việc của cơ quan, nâng cao năng lực lãnh đạo và trách nhiệm của người đứng đầu, công tác tham mưu của cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ.
Đối với Bình Khê, hiện phường này cũng đã kịp thời hoạch định các định hướng tương lai. Phường tiếp tục nâng chất các tiêu chuẩn, tiêu chí thành lập phường gắn với phát triển đô thị hoá. Huy động mọi nguồn lực để thực hiện các dự án nhằm tạo động lực cho phát triển kinh tế. Chú trọng nâng cao năng suất, chất lượng; đẩy mạnh quảng bá hình ảnh và nâng cao năng lực cạnh tranh để thu hút đầu tư trên địa bàn phường.
Cụ thể, năm 2025, phường phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 14% trở lên. Cơ cấu ngành kinh tế: Nông - lâm - ngư nghiệp từ 12,9%; công nghiệp - xây dựng từ 55,71%; dịch vụ từ 31,39%. Tổng giá trị sản xuất đạt 1.784,7 tỷ đồng trở lên. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 13 tỷ đồng trở lên.
Ông Phạm Văn Phong, Chủ tịch UBND phường, cho biết: “Phường sẽ tập trung thực hiện hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Phối hợp xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu sản phẩm kết hợp với phát triển thị trường tiêu thụ các nông sản chủ lực như na, vải, thanh long, hoa - cây cảnh... Khuyến khích nhân dân, các chủ trang trại thành lập hợp tác phường; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp liên kết với hợp tác phường và hộ sản xuất cá thể hình thành các chuỗi khép kín…”.
Hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn phường Bình Dương.
Rõ ràng, việc từ xã lên phường sẽ mang lại cơ hội tạo nên chuyển biến mạnh mẽ cho các địa phương trong phát triển KT-XH theo hướng đô thị. Song, 4 phường mới đều là địa phương thuần nông nên quá trình thực hiện các nhiệm vụ sẽ còn nhiều khó khăn.
Do đó, ngoài sự hỗ trợ của tỉnh và thành phố, các địa phương cần tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế; trong đó tập trung tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ. Huy động tối đa các nguồn lực nâng cấp, cải tạo và xây mới cơ sở hạ tầng KT-XH gắn với quy hoạch phát triển đô thị. Đối với người dân, bên cạnh khuyến khích các gia đình đầu tư, mở rộng kinh doanh các loại hình dịch vụ, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, đổi mới tư duy, nếp nghĩ của người dân từ nông thôn lên thành thị nhằm xây dựng nếp sống văn minh đô thị...