DỊCH VỤ CÔNG


TÌNH HÌNH
XỬ LÝ


HỎI ĐÁP

TIN TỨC
Thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều biến động, tỉnh Quảng Ninh vẫn giữ vững nhịp tăng trưởng xuất nhập khẩu (XNK) nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của tỉnh, cùng sự chủ động, linh hoạt trong tham mưu, triển khai của các đơn vị chuyên môn. Những giải pháp sáng tạo trong thông tin điều phối, xúc tiến thương mại và hội nhập quốc tế đang trở thành nền tảng vững chắc giúp Quảng Ninh tăng tốc trong giai đoạn tới.

Hoạt động xuất khẩu qua Cửa khẩu Bắc Luân II (TP Móng Cái).

Là địa bàn có vị trí chiến lược trong tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, TP Móng Cái được xác định là điểm trung chuyển hàng hóa quốc tế quan trọng giữa Việt Nam và Trung Quốc. Những năm qua, hoạt động XNK tại Móng Cái không ngừng phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực biên giới và đóng vai trò đầu tàu trong thương mại biên giới của tỉnh Quảng Ninh.

Hiện trên địa bàn có 5 cửa khẩu, lối mở được phép hoạt động XNK hàng hóa, gồm: Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, Cửa khẩu Bắc Luân II, Lối mở cầu phao Km3+4 Hải Yên, Lối mở Ka Long và Lối mở Pò Hèn. Đặc biệt, lối mở Km3+4 là một trong những điểm trung chuyển hàng hóa sôi động nhất, đóng vai trò quan trọng trong thông quan nông sản từ Việt Nam sang Trung Quốc. Theo thống kê, kim ngạch XNK qua các cửa khẩu trên địa bàn TP Móng Cái luôn đạt mức cao và duy trì sự ổn định. Riêng quý I/2025, tổng kim ngạch XNK qua địa bàn đạt khoảng 1,6 tỷ USD, tăng gần 12% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, xuất khẩu chiếm khoảng 55%, chủ yếu là nông sản, thủy sản, hàng tiêu dùng; còn lại các mặt hàng nhập khẩu là nguyên vật liệu phục vụ sản xuất như linh kiện điện tử, máy móc thiết bị...

Ông Hoàng Bá Nam, Bí thư Thành ủy Móng Cái, cho biết: Với lợi thế địa lý, cơ sở hạ tầng cửa khẩu và nền tảng kinh nghiệm thương mại biên giới, Móng Cái đặt mục tiêu trở thành trung tâm logistics và thương mại quốc tế tại vùng Đông Bắc. Để thực hiện, thành phố đang triển khai quy hoạch các khu kinh tế cửa khẩu gắn với dịch vụ hậu cần, logistics hiện đại; khuyến khích phát triển doanh nghiệp vận tải, kho bãi, thương mại điện tử xuyên biên giới; tiếp tục mở rộng hợp tác với các địa phương phía Nam Trung Quốc, thúc đẩy mở tuyến vận tải đường bộ - đường biển liên thông, tạo hành lang logistics mới nối Móng Cái - Quảng Tây - Hải Nam - ASEAN.

Cùng với các địa phương, các sở, ngành cũng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, xúc tiến thương mại và đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics. Công tác thông tin và điều phối hàng hóa tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh được thực hiện thường xuyên, liên tục và kịp thời. Sở Công Thương chủ động cập nhật tình hình lưu thông, xuất khẩu nông sản và hoa quả tại các cửa khẩu, giúp các địa phương, doanh nghiệp trong cả nước điều chỉnh phương án vận chuyển hợp lý, hạn chế tối đa tình trạng ùn ứ hàng hóa. Từ năm 2021 đến nay, gần 1.600 tin, bài đã được đăng tải trên Cổng thông tin thành phần của Sở Công Thương, trong đó có 1.576 báo cáo chi tiết về hoạt động cửa khẩu và 24 văn bản tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm và mở rộng thị trường.

Trong bối cảnh Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào các Hiệp định thương mại tự do (FTA), Quảng Ninh không ngừng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, đào tạo, phổ biến thông tin về các FTA thế hệ mới. Nhiều hội nghị, tọa đàm, chương trình “Cà phê doanh nhân” tổ chức với sự phối hợp của các đơn vị trung ương, tạo diễn đàn chia sẻ thông tin thiết thực cho doanh nghiệp địa phương. Công tác kết nối quốc tế cũng được thúc đẩy mạnh mẽ với việc duy trì quan hệ hợp tác thường xuyên với các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là tại các nước thành viên FTA, nhằm mở rộng thị trường, tăng khả năng tiếp cận của hàng hóa tỉnh nhà đến người tiêu dùng quốc tế.

Lực lượng Hải quan cửa khẩu Hoành Mô (huyện Bình Liêu) kiểm tra, kiểm soát hàng hóa trước khi thông quan.

Nhờ những nỗ lực nêu trên, giai đoạn 2020-2024, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp trong tỉnh ước đạt trên 16 tỷ USD, tăng trưởng trung bình 11,2%/năm, vượt xa chỉ tiêu đề ra (5-7%). Đến nay, có gần 2.000 doanh nghiệp đang hoạt động XNK tại Quảng Ninh; thị trường xuất khẩu liên tục được mở rộng, từ 54 lên gần 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Cơ cấu hàng xuất khẩu đa dạng, trong đó, nổi bật là các mặt hàng như: Thiết bị điện tử, xơ - sợi bông, hàng may mặc, tấm pin quang năng...

Tính riêng 4 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp trong tỉnh ước đạt 1.270 triệu USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ 2024; kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp trong tỉnh ước đạt 1.414 triệu USD tăng 16,0% so với cùng kỳ 2024.

Để tiếp tục phát huy vai trò là địa bàn chiến lược trong hoạt động XNK quốc gia, tỉnh ưu tiên hoàn thiện hạ tầng cửa khẩu theo hướng hiện đại, đồng bộ; đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính; mở rộng thị trường và tận dụng hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Đồng thời, tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối giao thương trong và ngoài nước, hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, tiếp cận thị trường tiềm năng; đẩy mạnh công tác nắm bắt tình hình thực tế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp… Qua đó, góp phần đưa hoạt động XNK phát triển ổn định, bền vững.

Minh Đức

Các tin khác
Lượt truy cập:
Trực tuyến:
CHÍNH QUYỀN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG NINH
Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân Tỉnh Quảng Ninh
Hỗ trợ:
Điện thoại: 1900.558.826
Email: chinhquyendientu@quangninh.gov.vn