Chiều 15/5, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến tham gia vào dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) và Luật Tư pháp người chưa thành niên, trình tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, chủ trì hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.
Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) gồm 10 chương, 78 điều, được xây dựng trên cơ sở giữ nguyên 09 điều, sửa đổi 61 điều, giảm bớt 12 điều và bổ sung 09 điều mới trong tổng số 81 điều của Luật Công chứng năm 2014.
Các đại biểu tán thành sự cần thiết của dự án Luật Công chứng (sửa đổi) nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới của hoạt động công chứng theo chủ trương xã hội hóa, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng và tính bền vững của hoạt động công chứng, từng bước phát triển nghề công chứng Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế.
Trên cơ sở nghiên cứu, tìm hiểu nội dung dự thảo Luật, các đại biểu đã có nhiều ý kiến thảo luận chất lượng về các vấn đề: Xác định đúng phạm vi hoạt động công chứng và thẩm quyền của công chứng viên (CCV); tiêu chuẩn và độ tuổi hành nghề CCV; cơ chế đào tạo nghề công chứng; việc áp dụng Luật trong mối quan hệ với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; hành lang pháp lý cho hoạt động công chứng điện tử và chuyển đổi số hoạt động công chứng. Đặc biệt là một số hành vi bị nghiêm cấm mới đối với CCV, tổ chức hành nghề công chứng, cá nhân, tổ chức có liên quan nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ CCV, tăng cường trách nhiệm, ý thức của cá nhân, tổ chức có liên quan đến việc công chứng.
Các đại biểu đóng góp ý kiến vào 2 dự thảo Luật.
Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên gồm 5 phần, 11 chương, 166 điều. Chủ trương xây dựng đạo luật riêng thể hiện quyết tâm chính trị lớn của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với việc bảo vệ, chăm sóc đối tượng đặc biệt này. Các đại biểu đánh giá dự thảo Luật đã thể hiện được sự nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân văn. Đồng thời có nhiều ý kiến đóng góp chuyên nghiệp, tâm huyết, nhằm xây dựng dự thảo hoàn chỉnh hơn. Qua đó bảo đảm việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, tuyên án, thi hành án phù hợp với độ tuổi, khả năng nhận thức, đặc điểm nhân thân, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; chú trọng giáo dục, giúp đỡ người chưa thành niên tự sửa chữa sai lầm, cải thiện hành vi, trở thành công dân có ích cho xã hội. Nhiều đại biểu thảo luận rất sâu về một số nội dung trong dự thảo Luật hiện đang còn có ý kiến khác nhau, như: Chế định xử lý chuyển hướng thay thế cho hình phạt; các tội danh không được xử lý chuyển hướng; thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng; phát huy vai trò của đội ngũ làm công tác xã hội…
Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tổng hợp, tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại hội nghị trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn thiện dự thảo các Luật.