DỊCH VỤ CÔNG


TÌNH HÌNH
XỬ LÝ


HỎI ĐÁP

TIN TỨC
Khơi dậy mọi tiềm năng phát triển

Trong chặng đường đầy thử thách từ những ngày thành lập tỉnh cho đến sự bứt phá về tăng trưởng hiện nay, Quảng Ninh đã vượt qua tất cả mọi khó khăn để phát triển bền vững. Những thành quả của Quảng Ninh hôm nay có sự kết tinh từ việc kiên định với quan điểm phát triển KH&CN là quốc sách hàng đầu.

Nền tảng của KH&CN

Phòng mổ thông minh tại Bệnh viện Bãi Cháy. Ảnh: Nguyễn Hoa

Ngày 4/3/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký pháp lệnh thành lập Ủy ban Khoa học Nhà nước. Tháng 10/1965, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra nghị quyết tách Ủy ban Khoa học Nhà nước thành Ủy ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước và Viện Khoa học xã hội. Thời gian này, ở cấp tỉnh, thành phố mới tổ chức các hội phổ biến khoa học.

Để đáp ứng thực tiễn tại địa phương, Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 96/NGTU ngày 10/9/1966, đồng thời UBND tỉnh thành lập Ban Khoa học, với chức năng là cơ quan tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và quản lý nhà nước về đo lường. Năm 1974, UBND tỉnh ra quyết định thành lập Phòng Đo lường nằm trong Văn phòng UBND tỉnh.

Trải qua nhiều lần tổ chức, cơ cấu, sắp xếp bộ máy phù hợp với tình hình địa phương, ngay sau khi có Nghị quyết số 26-TW của Bộ Chính trị về KH&CN trong sự nghiệp đổi mới, Hội đồng Bộ trưởng có Nghị định 35/HĐBT về công tác quản lý KH&CN, Ủy ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước đổi tên thành Bộ Khoa học, công nghệ và môi trường. Ở cấp tỉnh, thành phố, Ban Khoa học và kỹ thuật đổi tên thành Sở Khoa học, công nghệ và môi trường.

Trên cơ sở đó, Sở Khoa học, công nghệ và môi trường Quảng Ninh chính thức được ra đời từ tháng 11/1993. Cùng với việc ngày càng cụ thể hóa chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Khoa học, công nghệ và môi trường, bằng việc xác định nhiệm vụ quản lý ở cấp huyện, các hoạt động KH&CN đã diễn ra ở các ngành chuyên môn với những tổ chức, cơ sở. Sự ra đời của cơ quan chuyên môn chính là nền tảng để tổ chức sôi nổi các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN vào thực tiễn.

Dây chuyền tiệt trùng lọ tự động tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Quảng Ninh. 

Cùng với sự phát triển của Sở Khoa học, công nghệ và môi trường, trên địa bàn Quảng Ninh đã sớm hình thành các cơ sở đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực cho KH&CN ở hệ đại học và cao đẳng, hệ lý luận chính trị và quản lý nhà nước, hệ trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, hệ giáo dục miền núi. Nhờ đó, tỉnh đã sớm giải quyết được nhu cầu bức thiết về cán bộ trong từng thời kỳ.

Trong đó, tỉnh đã cơ bản bố trí cán bộ có trình độ đại học trở lên trong bộ máy lãnh đạo, quản lý nhà nước; quy hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ kế cận những chức vụ trong cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể, ban, ngành cấp tỉnh, cấp huyện; phát hiện học sinh năng khiếu để đào tạo nhân tài. Đây là nguồn lực quan trọng để thúc đẩy hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt quan tâm đến hoạt động KH&CN, tỉnh đã sớm bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương chi cho đề tài nghiên cứu, triển khai, đưa tiến bộ kỹ thuật vào thực tiễn. Nhờ đó, nguồn lực đầu tư cho KH&CN tăng hằng năm. Đáng chú ý, giai đoạn 1996-2000, thực hiện sự nghiệp CNH, HĐH chuyển sang cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, hoạt động KH&CN phải tự điều chỉnh cho phù hợp yêu cầu đổi mới. Từ đó, nguồn lực đầu tư từ ngân sách tỉnh chi cho các lĩnh vực cụ thể như hoạt động thông tin khoa học, hợp tác quốc tế về KH&CN, hỗ trợ lần đầu các kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất đời sống... Trong 5 năm, tỉnh đã đầu tư trên 10 tỷ đồng cho KH&CN. Đây là nguồn lực quan trọng thúc đẩy nghiên cứu, triển khai, ứng dụng đề tài, sáng kiến, chương trình khoa học vào thực tiễn.

Nông dân xã Sơn Dương (TP Hạ Long) thu hoạch ổi trồng theo phương pháp hữu cơ.

Qua đó, Quảng Ninh đã đạt được nhiều thành tựu về KH&CN ở tất cả các lĩnh vực. Ngành Than đã đi vào cải tiến công nghệ phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng than xuất khẩu, áp dụng tiến bộ mới trong các khâu khoan, nổ, bốc xúc, sàng tuyển, vận chuyển; ứng dụng công nghệ nổ mìn bầu, mìn buồng, mìn vi sai trong khai thác; hoàn thiện công nghệ đào sâu trong khai thác lộ thiên, sử dụng máy xúc thủy lực gầu ngược, các xe tải đặc dụng có thể vận hành trong mùa mưa... từ đó giảm giá thành, tăng sản lượng, đảm bảo hiệu quả kinh tế.

Cơ khí Quảng Ninh đã thực hiện các nhiệm vụ sửa chữa lớn thiết bị, chế tạo phụ tùng thay thế hàng nhập khẩu, đóng tàu các loại trọng tải 1.000-3.000 tấn. Ngành y dược đã có gần 200 đề tài nghiên cứu cấp ngành trong lĩnh vực điều tra dịch tả, môi sinh, chẩn đoán các bệnh nghề nghiệp, chăm sóc người cao tuổi, tiêm chủng mở rộng. Ngành bưu chính viễn thông có nhiều đổi mới nhanh chóng theo hướng tốc độ, tiêu chuẩn và tin học với việc thay thế các mạng dây trần, máy tải ba, tổng đài analog từ thạch, xây dựng mạng viễn thông nông thôn công nghệ của Pháp, vận hành tuyến cáp quang trong và ngoài tỉnh cùng công nghệ viba băng rộng và kỹ thuật số...

Bước ngoặt tạo đột phá 

Dây chuyền sản xuất gạch tự động tại Tổ hợp Công ty CP Gốm Đất Việt.

Phục vụ các nhiệm vụ của giai đoạn mới, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 2139/QĐ-UB ngày 8/7/2003 về việc đổi tên Sở Khoa học, công nghệ và môi trường thành Sở KH&CN, giúp quản lý nhà nước về KH&CN trên nhiều phương diện một cách chuyên sâu, nhanh chóng bắt nhịp với công cuộc đẩy mạnh CNH, HĐH. 

Cùng với kiện toàn bộ máy cơ quan tham mưu, UBND tỉnh đã sớm ban hành Đề án phát triển KH&CN trên địa bàn tỉnh đến năm 2010; Quy hoạch phát triển KH&CN tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2006-2010, định hướng đến năm 2020 làm tiền đề định hướng cho việc thực hiện các hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh, thu hút nguồn lực xã hội, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. 

Đáng chú ý, trong giai đoạn 2003-2007, tỉnh đã chi 15 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh cho sự nghiệp KH&CN để thực hiện 99 nhiệm vụ của các đơn vị trong và ngoài tỉnh. Nhờ đó, các nhiệm vụ KH&CN của tỉnh ngày càng được tập trung theo hướng nghiên cứu ứng dụng, đáp ứng các yêu cầu bức thiết của thực tế sản xuất, góp phần cho sự phát triển KT-XH của tỉnh.

Ở lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp, bằng việc dẫn nhập, khảo nghiệm và tuyển chọn các giống lúa mới, tỉnh đã chủ động sản xuất được các giống lúa thuần chủng, giống lúa lai 2 dòng, giống lúa lai 3 dòng. Trong đó, 8 giống lúa được công nhận là giống lúa quốc gia và trở thành giống chủ lực của các tỉnh phía Bắc. Ở lĩnh vực bảo vệ môi trường, nhiều đề tài, dự án điều tra cơ bản và nghiên cứu môi trường đều là những nhiệm vụ có tính cấp thiết cao, tác động trực tiếp tới nhiều ngành, địa phương, đảm bảo định hướng phát triển bền vững như đánh giá các nguồn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở Quảng Ninh và đề xuất các giải pháp quản lý, đánh giá tải lượng bồi lắng và ô nhiễm môi trường nước trên lưu vực vịnh Cửa Lục...

Được sự quan tâm của Bộ KH&CN và UBND tỉnh, từ năm 2006, tỉnh đã hình thành nguồn vốn riêng cho đầu tư phát triển KH&CN. Nhờ đó, nếu như năm 2003, nguồn vốn ngân sách chi cho hoạt động KH&CN là gần 4,9 tỷ đồng thì đến năm 2006 con số này là gần 13,5 tỷ đồng.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đã xác định đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, coi chất lượng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh là ưu tiên hàng đầu, chú trọng phát triển theo chiều sâu, phát triển kinh tế tri thức. Cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế xã hội này, từ năm 2012, trên cơ sở nghiên cứu một cách khoa học, nhận diện tiềm năng, thế mạnh, mâu thuẫn, thách thức, định vị lại Quảng Ninh trong tương quan với quốc gia và quốc tế, tỉnh đã xác định triết lý phát triển là “Tích cực chuyển đổi phương thức phát triển theo hướng bền vững dựa vào 3 trụ cột: Thiên nhiên, con người, văn hóa, kết hợp với xu thế hòa bình, hợp tác và hội nhập; đổi mới hệ thống chính trị và xây dựng nền hành chính hiện đại; phát triển công nghiệp dịch vụ, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí dựa trên nền tảng công nghiệp sáng tạo được tổ chức ở trình độ cao”.

Từ triết lý phát triển này, trên nền tảng các cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý, để tạo đột phá trong lĩnh vực KH&CN, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản quan trọng làm cơ sở cho đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KH&CN, huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho KH&CN như: Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 5/5/2012 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển KH&CN tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết 135/NQ-HĐND ngày 14/3/2014 của HĐND tỉnh về quy hoạch phát triển KH&CN tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”; Quyết định 1109/QĐ-UBND ngày 2/6/2014 của UBND tỉnh về phê duyệt quy hoạch phát triển KH&CN tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030... Trên cơ sở đó, mức đầu tư cho KH&CN được tăng mạnh, nguồn lực huy động đa dạng, hiệu quả đầu tư ngày một nâng lên.

Trong đó, nguồn vốn ngân sách tỉnh chi cho KH&CN là 1.457,7 tỷ đồng, tăng 983% so với giai đoạn 2006-2010; bình quân chi hằng năm đạt 3,94% tổng chi thường xuyên ngân sách tỉnh; tỷ lệ đầu tư cho nghiên cứu, triển khai ứng dụng KH&CN đạt 1,58% GRDP của tỉnh.

Trong giai đoạn này, Quỹ phát triển KH&CN với nguồn vốn được cấp là 50 tỷ đồng, cho vay 4 dự án với kinh phí là 26,1 tỷ đồng, trong đó, vốn hỗ trợ là 8,6%, vốn doanh nghiệp là 91,4%. 100% địa phương đã bố trí kinh phí từ nguồn thu ngân sách địa phương, lồng ghép nhiều nguồn vốn (nông thôn mới, phát triển kinh tế...) để đầu tư cho ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật. Một số doanh nghiệp đã trích lợi nhuận sau thuế để thành lập Quỹ phát triển KH&CN của đơn vị như: Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Công ty CP Viglacera Hạ Long, Công ty CP Dược Quảng Ninh...  

Vai trò của đội ngũ trí thức tỉnh trong thực hiện công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội trên một số lĩnh vực ở giai đoạn này được phát huy. Đáng chú ý là việc thành lập Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh năm 2012 gồm 10 hội thành viên với 8.000 hội viên. Qua đó, hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh đã phát huy vai trò trong quá trình phát triển KT-XH của địa phương, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng và sức cạnh tranh trên thị trường, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Lãnh đạo tỉnh tặng hoa chúc mừng kỷ niệm 20 năm thành lập Sở KH&CN (tháng 7/2023). Ảnh: Thu Chung

Xác định KH&CN giữ vai trò then chốt từng bước hội nhập vào nền kinh tế tri thức, trên cơ sở kế thừa kết quả của Nghị quyết 04, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết 07-NQ/TU ngày 13/3/2017 về phát triển KH&CN tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020. Đây là cơ sở thúc đẩy phát triển các hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh, kịp thời nắm bắt thời cơ, nâng cao năng lực, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nhờ đó, tổng vốn đầu tư xã hội cho KH&CN giai đoạn 2017-2020 đạt khoảng 19.290 tỷ đồng, bằng 2,71% GRDP của tỉnh.

Các cơ chế, chính sách khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, đổi mới, ứng dụng KH&CN đã góp phần thúc đẩy KH&CN trên địa bàn, cũng như tác động tích cực giúp các doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực. Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN được đẩy mạnh triển khai. Nhiều nhiệm vụ, đề tài, dự án, đề án KH&CN đã được đưa vào ứng dụng thực tiễn. Nhiều sáng kiến tham gia các hội thi, cuộc thi quốc gia và quốc tế đạt thành tích cao, được biểu dương, khen thưởng ở các cấp, các ngành. 

Nhằm huy động nguồn lực xã hội, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển, giai đoạn từ 2020 đến nay, ngân sách tỉnh đầu tư cho lĩnh vực này theo nhiệm vụ hằng năm, đảm bảo đúng quy định, khai thác chủ yếu từ nguồn đối ứng của doanh nghiệp để triển khai các nhiệm vụ KH&CN.

Tỉnh Quảng Ninh duy trì tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh, Cuộc thi Sáng tạo dịch vụ tỉnh, Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh, Giải thưởng Sáng tạo KH&CN tỉnh... chất lượng, bài bản, quy mô, từ đó, huy động được một lực lượng cùng tham gia nghiên cứu, ứng dụng, sáng tạo khoa học.

Toàn tỉnh hiện có 24 doanh nghiệp KH&CN. Các doanh nghiệp KH&CN đã mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ nâng cao chất lượng và giá trị của các sản phẩm. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng và hình thành 2 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về lĩnh vực trồng trọt và thủy sản do doanh nghiệp quản lý. 

Quảng Ninh cũng là tỉnh đầu tiên ở miền Bắc áp dụng thành công Hệ thống ISO điện tử vào 227 cơ quan hành chính Nhà nước từ tuyến tỉnh đến cấp xã, qua đó, tạo những bước đột phá trong cải cách hành chính.

Nhìn lại hành trình 60 năm qua, có thể thấy KH&CN thực sự là động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển KT-XH tỉnh Quảng Ninh với nhiều dấu ấn. 

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết 13-NQ/TU ngày 28/4/2023 về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030. Với sự quan tâm của tỉnh, sức mạnh của cả hệ thống cùng trí tuệ của những con người vùng mỏ, chắc chắn rằng, Quảng Ninh sẽ từng bước trở thành một trong các địa phương đi đầu cả nước ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Cao Quỳnh

Các tin khác
Lượt truy cập:
Trực tuyến:
CHÍNH QUYỀN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG NINH
Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân Tỉnh Quảng Ninh
Hỗ trợ:
Điện thoại: 1900.558.826
Email: chinhquyendientu@quangninh.gov.vn