DỊCH VỤ CÔNG


TÌNH HÌNH
XỬ LÝ


HỎI ĐÁP

TIN TỨC
Mùa xuân xanh của Ba Chẽ

Nếu "mùa xuân là cả một mùa xanh" như một nhà thơ từng viết thì với mảnh đất đi lên từ kinh tế rừng như Ba Chẽ, mùa nào cũng xuân, mùa nào cũng xanh.

Sương sớm trên núi rừng Ba Chẽ. Ảnh: Dương Phượng Đại (CTV)

Huyện Ba Chẽ có diện tích tự nhiên 60.651,3ha, trong đó diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp là 56.638,2ha, chiếm đến 93,4%. Có thể nói, đây chính là tư liệu sản xuất quan trọng để Ba Chẽ phát huy lợi thế về phát triển kinh tế lâm nghiệp.

Tận dụng tiềm năng thế mạnh này, Ba Chẽ chọn cho mình lối đi từ cây rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp. Những năm gần đây, trồng rừng sản xuất đã trở thành phong trào phát triển rộng lớn trên địa bàn huyện Ba Chẽ.  Diện tích trồng rừng mới toàn huyện trong 3 năm qua đạt hơn 10.730,5ha, bình quân mỗi năm trồng mới hơn 3.500ha rừng. Riêng diện tích trồng rừng gỗ lớn 2.301ha, chiếm 21,4% tổng diện tích rừng trồng mới; trong đó trồng gỗ lớn cây lim, lát, giổi là 674,1ha, còn lại là keo Úc, thông mã vĩ, sồi phảng.

Không cho đất nghỉ, không bỏ đất trống, đến nay người dân Ba Chẽ đã trồng 36.946 cây lâm nghiệp phân tán trên những diện tích đất nhỏ lẻ, không nằm trong quy hoạch trồng rừng tập trung, nhằm góp phần nâng cao tỷ lệ che phủ rừng. Cây không phụ ơn người, rừng trồng được chăm sóc, sản lượng tăng trưởng bình quân 13,2m3/ha/năm.

Nhớ lời Bác dạy "Vì lợi ích 10 năm trồng cây...", huyện Ba Chẽ đã tích cực chuẩn bị cây giống để gối vụ cho những mùa sau. Trên địa bàn huyện hiện có 28 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp; trong đó có 5 vườn ươm quy mô doanh nghiệp, hợp tác xã và 23 vườn ươm quy mô hộ gia đình. Tổng diện tích của các vườn ươm là 11,2ha, 3 năm qua đã sản xuất 22.065 cây giống.

Nhân dân trên địa bàn huyện yêu thiên nhiên sâu nặng, gắn bó chặt chẽ đời sống mưu sinh với rừng, có nhiều kinh nghiệm trong trồng, chăm sóc, khai thác và bảo vệ rừng. Công tác quản lý bảo vệ rừng được các cấp, các ngành quan tâm và có sự tham gia tích cực của người dân, nên đã ngăn ngừa tình trạng cháy rừng, đốt rừng làm nương, rẫy. Huyện Ba Chẽ cũng đã vận dụng linh hoạt các hình thức tổ chức quản lý bảo vệ rừng phù hợp với đặc điểm văn hóa, tập quán, trình độ nhận thức của nhân dân để tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng. Trách nhiệm quản lý nhà nước của các cấp, các ngành được nâng cao. Huyện đã thực hiện tốt công tác theo dõi diễn biến tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp hằng năm.

Một góc thị trấn Ba Chẽ hôm nay.

Lãnh đạo huyện qua nhiều thế hệ đều xác định xây dựng Ba Chẽ thành trung tâm lâm nghiệp của tỉnh; tuyên truyền, vận động làm thay đổi nhận thức của người dân về phát triển kinh tế rừng, từ chỗ giảm nghèo đến chỗ làm giàu từ kinh tế rừng. Với mỗi người dân Ba Chẽ, cây rừng là vàng xanh, là tài nguyên để làm giàu.

Hướng về những mùa xuân phía trước, huyện Ba Chẽ sẽ dồn lực chuyển đổi cơ cấu từ cây keo giá trị thấp nhanh làm đất bạc màu sang trồng cây có giá trị kinh tế cao hơn, phát triển kinh tế dưới tán rừng ở những khu vực có điều kiện phù hợp, vận động người dân sản xuất đảm bảo tiêu chí đưa sản phẩm ra ngoài thị trường và phát triển du lịch cộng đồng. Điều này đồng nghĩa với việc Ba Chẽ đang có những bước đi vững chắc để bảo đảm môi trường bền vững, bảo đảm nguồn sinh thuỷ, xây dựng chuỗi giá trị từ rừng, quan tâm đặc biệt đến chế biến và chế biến sâu thay thế cho chế biến thô. Những hướng đi căn cơ trong kinh tế rừng sẽ giúp nhân dân có đời sống ấm no hơn, quê hương giàu đẹp hơn.

Đến Ba Chẽ vào bất kỳ mùa nào, nhất là vào mùa xuân, từ trên đỉnh núi nhìn xuống, du khách sẽ bắt gặp một bức tranh tổng thể với những mảng xanh tươi mát, căng tràn sức sống. Lãnh đạo huyện và bà con các dân tộc nơi đây đang hiện thực hoá khát vọng xây dựng huyện Ba Chẽ phát triển xanh từ việc xanh hoá thêm những cánh rừng. 

Phạm Học

Các tin khác
Lượt truy cập:
Trực tuyến:
CHÍNH QUYỀN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG NINH
Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân Tỉnh Quảng Ninh
Hỗ trợ:
Điện thoại: 1900.558.826
Email: chinhquyendientu@quangninh.gov.vn