Trong tín ngưỡng của người Dao, thờ cúng long khuyển đi kèm nhiều truyền thuyết dân gian phong phú, đặc sắc.
Tái hiện hành trình vượt biển của tổ tiên người Dao huyện Ba Chẽ trong Lễ hội Bàn Vương. Ảnh: Khắc Đạm (CTV)
Bàn Vương không phải tổ tiên gần của một gia đình hay một dòng họ mà là thủy tổ của người Dao. Theo truyền thuyết, Bàn Vương (Bàn Hồ) vốn là long khuyển hồ có công giết Cao Vương, đập tan ý đồ xâm lược nước Bình Vương. Vua Bình Vương trọng thưởng Bàn Vương và gả công chúa cho. Vợ chồng Bàn Vương sinh được 12 người con, được vua Bình Vương ban sắc thành 12 dòng họ của người Dao ngày nay.
Hình tượng Bàn Vương trên tranh thờ của người Dao.
Sau khi Bàn Vương qua đời, các nhánh người Dao có lễ cúng riêng cho thủy tổ. Người Dao ở Quảng Ninh chủ yếu gồm hai nhánh Dao Thanh Y và Dao Thanh Phán; riêng ở huyện Ba Chẽ có thêm nhóm Dao Lô Gang. Trong truyền thuyết, long khuyển Bàn Hồ đi về Nam Sơn, sinh ra 12 họ người Dao. Bởi vậy rất có thể địa danh Nam Sơn ở Ba Chẽ có gốc gác từ trong ngôn ngữ và văn hóa dân tộc Dao. Tài liệu sử sách ghi lại, điểm khởi thủy, tổ tiên của người Dao chính là tại thôn Sơn Hải. Thôn còn giữ nhiều phong tục tập quán của người Dao, như lễ cấp sắc, hoa văn biểu tượng chân chó trên trang phục truyền thống. Người Dao thêu những hoa văn gợi liên tưởng đến hình chân chó cách điệu với quan niệm hình ảnh thủy tổ linh thiêng sẽ luôn bên mình, xua đuổi tà ma, phù hộ độ trì cho con cháu. Mỗi nhánh người Dao lại có thêm những tình tiết trong truyền thuyết, nhưng nhìn chung, các câu chuyện đều khẳng định Bàn Vương tài giỏi, có công lớn trong lịch sử và có lối sống giản dị.
Trong truyền thuyết, long khuyển là con chó ngũ sắc mình rồng, có 12 chiếc đuôi. Người Dao coi việc thờ cúng Bàn Vương là việc làm có liên quan đến vận mệnh của cả cộng đồng. Trong các nghi lễ lớn của gia đình, dòng họ, người Dao đều phải làm lễ cúng Bàn Vương. Bàn Vương được coi là loài ma nhà (ma tốt), được thờ cúng với gia tiên và 5 vị thần khác là thần thóc gạo, thần văn nghệ, thần săn bắn và 2 vị thần chăn nuôi.
Lễ rước Bàn Vương của các dòng họ người Dao. Ảnh: Phượng Đại (CTV)
Người Dao huyện Ba Chẽ cúng Bàn Vương vào ngày 1/2 âm lịch hằng năm. Trong lễ cúng Bàn Vương có nghi lễ nhảy lửa, múa rùa, nhập đồng nhảy lửa, vật chày mang tính huyền bí đặc trưng văn hóa người Dao. Cùng với đó là nghi lễ dâng các lễ vật, trái cây đặc sản lên miếu Bàn Vương, nghi lễ tiêu biểu cầu mưa thuận gió hòa, ấm no, hạnh phúc.
Trong phần hội sẽ diễn ra chương trình biểu diễn dân ca, dân vũ, trình diễn trang phục truyền thống; sân khấu hóa một số nghi lễ, nghi thức đặc sắc trong lễ cấp sắc, giao lưu thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian và thưởng thức ẩm thực của cộng đồng dân tộc Dao trên địa bàn. Kể từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc nghi lễ cúng Bàn Vương, người ta phải kiêng kỵ nghiêm ngặt. Tất cả mọi người trong buổi lễ phải ăn chay, không được bàn tán chê bai.
Trang phục của người Dao Quảng Ninh gợi liên tưởng đến hình tượng long khuyển. Ảnh: Cấn Đình Loan (CTV)
Tại huyện Ba Chẽ, Lễ hội Bàn Vương được tổ chức hằng năm tại thôn Sơn Hải (xã Nam Sơn) tái hiện hành trình khảm hải (vượt biển) của 12 dòng họ người Dao trên 12 con thuyền đến vùng đất Ba Chẽ để lập nghiệp. Từ sáng sớm, các đoàn đại diện cho 12 dòng họ người Dao khoác lên mình những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất, tập trung ở bến thuyền, khu vực miếu Ông để lên 12 chiếc thuyền đại diện cho 12 dòng họ thực hiện hành trình vượt biển. Trong tiếng trống, tiếng cồng, những con thuyền đi dọc sông Ba Chẽ hướng về miếu Bàn Vương để dâng rượu ba kích, trà hoa vàng, thuốc nam, ngô, khoai, sắn, mía, rau, gà, lợn, hương, hoa với tấm lòng thành kính.
Nghi lễ nhảy lửa trong Lễ hội Bàn Vương.
Lễ cúng Bàn Vương mang đậm tính nhân văn, hướng con người luôn nhớ đến nguồn cội, biết ơn tổ tiên. Đồng thời cũng trấn an tinh thần con người, bởi quan niệm bên cạnh mình đã có tổ tiên linh thiêng phù hộ. Nghi lễ này còn là sợi dây liên kết cộng đồng người Dao trong mối quan hệ dòng họ, làng bản.
Tục thờ cúng Bàn Vương là nét sinh hoạt tín ngưỡng đặc biệt của người Dao, mang tính biểu tượng cho sự thống nhất nguồn gốc và văn hóa dân tộc. Lễ hội Bàn Vương còn góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Đồng thời quảng bá tiềm năng du lịch thông qua truyền thống văn hóa, nét đẹp trong trang phục và nghi lễ tín ngưỡng, sinh hoạt văn hóa của dân tộc Dao nói riêng, các dân tộc thiểu số ở Quảng Ninh nói chung.