DỊCH VỤ CÔNG


TÌNH HÌNH
XỬ LÝ


HỎI ĐÁP

TIN TỨC
Ký ức người lính Điện Biên

Đã 70 năm trôi qua, Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” vẫn còn vẹn nguyên trong trí nhớ của những chiến sĩ đã trực tiếp tham gia chiến đấu và chiến thắng năm xưa.


17h30 ngày 7/5/1954, lá cờ quyết chiến quyết thắng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng các đơn vị tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch. (Ảnh tư liệu)

Vẹn nguyên ký ức

Ở tuổi 95, CCB Trần Trọng Tú (khu 6A, phường Cẩm Trung, TP Cẩm Phả) vẫn nhớ rõ những năm tháng hào hùng, đặc biệt là Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 mà ông đã trực tiếp tham gia. Ông kể: Cuối tháng 12/1953 đơn vị tôi từ xã Hùng Sơn (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) được điều động lên tham gia Chiến dịch. Chúng tôi hành quân băng qua rừng núi hiểm trở, mỗi chiến sĩ mang vác khoảng 40kg gồm súng, đạn, lương thực, mỗi ngày đi được khoảng 25-30km. Hành quân gần 2 tháng, đến tháng 2/1954 đơn vị tôi đến xã Mường Phăng và tham gia xây dựng bản doanh Sở Chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyễn Giáp.


CCB Trần Trọng Tú tìm lại những trang ghi chép của mình về giai đoạn tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ 70 năm về trước.

Sau khi ở Mường Phăng, đơn vị di chuyển xuống cánh đồng Mường Thanh, vị trí trú quân tại khu vực Him Lam. Trước giờ nổ súng tiến công đợt 1 (13/3/1954) tôi là Đại đội phó Đại đội 277, Trung đoàn 102, Đại đoàn 308, được cấp trên giao khống chế hệ thống cấp nước sinh hoạt của Tập đoàn cứ điểm của Điện Biên Phủ. Tôi chỉ huy 27 xạ thủ trực tiếp phá bơm và ống nước ngầm dẫn nước sinh hoạt từ sông Nậm Rốm lên Tập đoàn cứ điểm, buộc địch phải bố trí người, phương tiện đưa nước lên, thuận lợi cho ta khống chế và tiêu diệt. Việc khóa chặt nguồn nước sinh hoạt, buộc địch phải tổ chức nhiều tốp lính ra giải tỏa khu vực cấp nước tại sông Nậm Rốm, thế nhưng các vị trí bắn tỉa do ông Tú chỉ huy, địch không thể thực hiện được. Chúng huy động dân phu người Thái từ cứ điểm xuống sông Nậm Rốm lấy nước. Các chiến sĩ bắn thủng các dụng cụ đựng nước, để địch không đưa được nước lên cung cấp cho cứ điểm. Địch càng trở nên khốn đốn, vòng vây càng bị thu hẹp.


Ông Trần Trọng Tú thời gian tiếp quản Thủ đô Hà Nội, tháng 10/1954. (Ảnh tư liệu)

CCB Trần Xuân Hiền (90 tuổi, khu 1, phường Yết Kiêu, TP Hạ Long) nhớ lại: Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ tôi là chiến sĩ Đại đội 3, Tiểu đoàn 251, Trung đoàn 174, Đại đoàn 12. Sau tấn công đợt 1 phá vỡ các cứ điểm của địch ở Phân khu phía Bắc gồm Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo, chúng tôi được giao nhiệm vụ đào thông hào vây lấn tiến sát công sự kiên cố của địch tại phía Đông Phân khu Trung tâm của Tập đoàn cứ điểm. Chiến thuật vây lấn này rất hiệu quả, làm giảm thương vong cho bộ đội ta, đồng thời siết chặt vòng vây. Những đường hào được chúng tôi đào sâu từ 1,5-1,7m, rộng 0,5-1,2m tùy vào từng khu vực vị trí mà địch bố trí. Các giao thông hào được chúng tôi đào cả ngày cả đêm kết nối với nhau giống như thòng lọng siết cổ quân địch.

Khi giao thông hào càng tiến sát, địch càng hoang mang dùng súng cối, súng đại liên từ các điểm cao bắn vào các vị trí; đồng thời bố trí từng tốp lính có xe tăng yểm hộ tổ chức xung phong ra phá hào. Mặc dù chịu thương vong, nhưng với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, chúng tôi chống trả và duy trì các đường hào vây lấn.

CCB Lê Danh Thanh (94 tuổi, khu 2, phường Giếng Đáy, TP Hạ Long) trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Tiểu đội phó thuộc Đại đội 87, Tiểu đoàn 400, Trung đoàn 9, Đại đoàn 304. Nhiệm vụ của tiểu đội ông là sử dụng bộc phá phá các hàng rào thép gai vật cản của địch để tạo cửa mở cho các đơn vị xung phong diệt địch.


Bộ đội ta xung phong tiến công địch tại đồi A1 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. (Ảnh tư liệu)

Ông kể: Trong trận Hồng Cúm, chúng tôi mỗi tổ 3 người, sử dụng ống luồng dài gài bộc phá ở đầu. Khi xác định mục tiêu vật cản của địch tạo hướng tiến công, 1 đồng chí yểm hộ, còn 2 đồng chí tiến sát hàng rào. Một đồng chí rút nụ xòe, đồng chí còn lại đưa ống luồng thọc sâu hàng rào rút ra an toàn. Khi bộc phá nổ, tạo ra một khoảng trống cho các đơn vị xung phong.

Tự hào người chiến sĩ Điện Biên

Sau khi giành thắng lợi ở Điện Biên Phủ, tháng 10/1954 đơn vị của ông Trần Trọng Tú về tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Năm 1959 ông chuyển ngành về Công ty Gang thép Thái Nguyên, đi học Trường Đại học Công đoàn, rồi sang Liên Xô, Rumania học tập. Năm 1968 ông về làm Hiệu trưởng Trường Công đoàn Bắc Thái. Năm 1972 ông nghỉ hưu, cùng gia đình chuyển về sinh sống tại TP Cẩm Phả. Hơn 50 năm ở Vùng mỏ, ông Tú luôn giữ vững phẩm chất đảng viên, tích cực tham gia công tác xã hội tại địa phương, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, được người dân tin yêu.


CCB Trần Xuân Hiền kể về thời gian ông tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.

Sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Trần Xuân Hiền tham gia Đoàn xây dựng kinh tế, quốc phòng, ra Quảng Ninh làm đường, xây dựng đồn biên phòng dọc tuyến biên giới từ Bình Liêu đến Móng Cái. Sau đó ông chuyển về Công ty Xây dựng nhà ở Quảng Ninh và nghỉ hưu vào năm 1982.

Ông Lê Danh Thanh học quân y, chuyển về Trung đoàn 259 (Bộ Tư lệnh Công binh); rồi chuyển sang ngành GT-VT xây dựng công trình, đến năm 1971 về xây dựng Nhà máy Đóng tàu Ba Lan (TX Hòn Gai). Ông bảo: Những người lính chúng tôi bước ra từ cuộc kháng chiến chống Pháp luôn đi đầu thực hiện nhiệm vụ khó, giữ vững phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, nêu gương cho thế hệ sau. Trở về cuộc sống đời thường, tôi vẫn tích cực tham gia công tác ở địa phương.

Dương Trường

Các tin khác
Lượt truy cập:
Trực tuyến:
CHÍNH QUYỀN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG NINH
Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân Tỉnh Quảng Ninh
Hỗ trợ:
Điện thoại: 1900.558.826
Email: chinhquyendientu@quangninh.gov.vn