DỊCH VỤ CÔNG


TÌNH HÌNH
XỬ LÝ


HỎI ĐÁP

TIN TỨC
Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5 (1954-2024): Sức mạnh Việt Nam, tầm vóc thời đại

Chiến thắng Điện Biên Phủ là “cột mốc vàng" lịch sử, đánh dấu bước tiến thần kỳ của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Đó là biểu tượng của sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại; kết quả của sự nỗ lực, bền bỉ đấu tranh của toàn quân, toàn dân ta dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh để nghe, duyệt lần cuối kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953-1954, mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thực dân Pháp dã tâm dùng vũ lực hòng đặt lại ách thống trị trên đất nước ta một lần nữa. Với ý chí "Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ", toàn thể nhân dân Việt Nam đã nhất tề hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ với niềm tin tất thắng. Thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, dựa vào sức mình là chính, quân và dân ta đã lần lượt đánh bại các chiến lược quân sự của thực dân Pháp. Để cứu vãn tình thế thất bại, bước vào Thu - Đông 1953, thực dân Pháp với sự hỗ trợ của đế quốc Mỹ đã cho ra đời Kế hoạch Na-va, tăng viện lớn về binh lực và chi phí chiến tranh ở Việt Nam nhằm giành thắng lợi có tính quyết định về quân sự trong vòng 18 tháng.

Nhận rõ thủ đoạn của thực dân Pháp, cuối tháng 9/1953, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp bàn về nhiệm vụ quân sự, phân tích sâu sắc thế chiến lược giữa ta và địch, ra nghị quyết thông qua kế hoạch tác chiến Đông - Xuân, giữ vững quyền chủ động đánh địch trên cả hai mặt trận chính diện và sau lưng địch, phối hợp trên phạm vi cả nước và phối hợp trên toàn Đông Dương, với phương châm chiến đấu “tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”.

Đánh giá đúng tình hình và âm mưu, thủ đoạn của địch, Bộ Chính trị đã sáng suốt quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ; Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp được chỉ định làm Chỉ huy trưởng. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng, không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Người dặn dò Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “phải đánh thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng, không đánh”. Cả nước tập trung sức mạnh cho mặt trận Điện Biên Phủ với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Đúng ngày 13/3/1954, quân ta nổ súng tiến công Điện Biên Phủ. Sau 56 ngày đêm chiến đấu dũng mãnh, vượt qua muôn vàn gian khổ, hy sinh, “gan không núng, chí không mòn”, chiều 7/5/1954 bộ đội ta đã tiêu diệt hoàn toàn Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, bắt sống tướng chỉ huy De Castries (Đờ-cát), kết thúc thắng lợi trận quyết chiến chiến lược.

Cờ Quyết chiến quyết thắng của QĐND Việt Nam tung bay trên cứ điểm Him Lam. Ảnh tư liệu

Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng đã ghi dấu mốc son chói lọi vào lịch sử dân tộc và thời đại, trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng và sức mạnh Việt Nam. Đây cũng là chiến thắng có ý nghĩa to lớn, tác động mạnh mẽ tới phong trào đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.

CCB Trần Văn Đào (phường Yết Kiêu, TP Hạ Long), chiến sĩ Đại đoàn 316, trực tiếp tham gia tấn công cứ điểm đồi A1, bị thương trong chiến đấu tại chiến trường Điện Biên Phủ, khẳng định: Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng của lòng yêu nước nồng nàn, ý chí bất khuất, kiên cường của dân tộc Việt Nam; là chiến thắng của chính nghĩa, của dân tộc Việt Nam anh hùng, của sự đoàn kết “quân với dân một ý chí”, là chiến thắng của sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ khẳng định đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo của Đảng và sự lớn mạnh của QĐND Việt Nam dưới sự lãnh đạo và tư tưởng thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chiến thắng đó được kết tinh bởi truyền thống yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.


CCB Nguyễn Quang Phục (95 tuổi, huyện Đầm Hà) trao đổi tại Hội nghị gặp mặt, tri ân các Anh hùng liệt sĩ, chiến sĩ Điện Biên, TNXP, dân công hỏa tuyến tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ do tỉnh tổ chức ngày 2/5/2024.

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, cùng với cả nước, tỉnh Quảng Ninh đã có hàng trăm người con ưu tú nô nức lên đường, vượt qua muôn vàn gian khó, ngày đêm bạt rừng xẻ núi, mở hàng trăm km đường giao thông cho bộ đội, dân công chuyển quân, kéo pháo, vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm, lập nên biết bao kỳ tích. Nhiều cán bộ, chiến sĩ Đất mỏ trực tiếp tham gia chiến đấu với tinh thần mưu trí, dũng cảm, lập nhiều thành tích xuất sắc.

Nơi hậu phương, lực lượng dân quân tự vệ, các đơn vị bộ đội địa phương và nhân dân các dân tộc trong tỉnh dũng cảm chiến đấu chống lại các đợt oanh kích của thực dân Pháp. Từ thành thị đến nông thôn, miền núi, hải đảo, mỗi khu phố, mỗi làng xã, xí nghiệp trở thành một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ anh dũng chiến đấu ngay trong lòng địch, lập nhiều chiến công oanh liệt. Từ những chiến thắng trên mặt trận vùng Đông Bắc Tổ quốc đã góp phần tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, tạo ra thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp, liên hoàn, đánh địch ở khắp các chiến trường; hợp đồng tác chiến với Điện Biên Phủ, không cho địch tập trung binh lực tiếp viện, giải cứu cho Điện Biên Phủ, góp phần làm nên chiến thắng Đông Xuân 1953-1954, mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ “nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”.

Tỉnh Quảng Ninh gặp mặt để tôn vinh, tri ân các chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, ngày 2/5/2024.

Ðã 70 năm trôi qua nhưng ý nghĩa và bài học lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn luôn là động lực mạnh mẽ để tiếp thêm sức mạnh cho toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Kế tục sự nghiệp cách mạng vẻ vang ấy, trải qua 60 năm xây dựng và phát triển tỉnh, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh đã không ngừng nỗ lực, đoàn kết, sáng tạo, kiên trì phấn đấu, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, dấu ấn nổi bật trên các lĩnh vực; tạo bước phát triển bứt phá, đưa Quảng Ninh từ một địa phương nằm trong tình trạng yếu kém, chủ yếu dựa vào sự hỗ trợ của trung ương đã “vươn lên trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo của Vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá khi về thăm, làm việc với tỉnh năm 2022; ngày càng định hình rõ nét một Quảng Ninh giàu đẹp, văn minh, hiện đại với các đặc trưng “Thiên nhiên tươi đẹp - Văn hóa đặc sắc - Xã hội văn minh - Hành chính minh bạch - Kinh tế phát triển - Nhân dân hạnh phúc”.

Thu Chung

Các tin khác
Lượt truy cập:
Trực tuyến:
CHÍNH QUYỀN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG NINH
Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân Tỉnh Quảng Ninh
Hỗ trợ:
Điện thoại: 1900.558.826
Email: chinhquyendientu@quangninh.gov.vn