DỊCH VỤ CÔNG


TÌNH HÌNH
XỬ LÝ


HỎI ĐÁP

TIN TỨC
Kỷ vật Điện Biên

70 năm đã trôi qua, những kỷ niệm, ký ức về những ngày tháng chiến đấu oanh liệt của quân và dân ta làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” vẫn in đậm trong tâm trí của những cựu chiến binh. Những chiến sĩ bước ra từ cuộc chiến tiếp tục bước vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngoài hồi ức in sâu trong lòng, họ còn giữ gìn và mang theo những kỷ vật để nhớ về thời hoa lửa từng sống, chiến đấu, để làm nên một Điện Biên anh hùng.

Tự hào huy hiệu "Chiến sĩ Điện Biên Phủ"

Ông Trần Trọng Tú (Khu 6A, phường Cẩm Trung, TP Cẩm Phả) nói về tấm huy hiệu "Chiến sĩ Điện Biên Phủ" được ông trân trọng lưu giữ suốt 70 năm qua.

Sau thắng lợi Điện Biên Phủ, Đại đội 277, Tiểu đoàn 79, Trung đoàn 102, Đại đoàn 308 của ông Trần Trọng Tú (Khu 6A, phường Cẩm Trung, TP Cẩm Phả) có nhiệm vụ tiếp quản Hà Nội tháng 10/1954.

Ông Trần Trọng Tú kể: Sau khi thắng lợi ở Điện Biên Phủ, đơn vị tôi chỉnh đốn đội hình hành quân về tiếp quản Hà Nội. Chúng tôi ai cũng ăn mặc chỉnh tề, gọn gàng đi theo hàng lối, trên ngực ai cũng có huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ” vinh dự lắm, tự hào lắm. Tròn 70 năm, chiếc huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ” được cựu chiến binh Trần Trọng Tú treo trang trọng trên tấm bảng kính. Ông coi chiếc huy hiệu là báu vật của cuộc đời.

Ông Trần Xuân Hiền (phường Yết Kiêu, TP Hạ Long) chụp ảnh cùng người thân sau thắng lợi Điện Biên Phủ năm 1954. Ảnh Tư liệu nhân vật

Không trực tiếp chiến đấu trong chiến hào, nhưng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, cựu chiến binh Đào Xuân Mộc (91 tuổi, khu Trới 1, phường Hoành Bồ, TP Hạ Long) là chiến sĩ Binh trạm 52, trực thuộc Tổng cục Hậu cần.

Đưa bàn tay già nua vuốt ve chiếc huy hiệu "Chiến sĩ Điện Biên Phủ", cựu chiến binh Đào Xuân Mộc chia sẻ: Mỗi người lính chúng tôi khi rời chiến trường Điện Biên Phủ thường không mang theo gì ngoài chiếc huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ” được Bác Hồ trao tặng. Đó là kỷ vật, biểu tượng, tự hào đối với người lính chúng tôi. Suốt 70 năm qua, tôi luôn giữ gìn huy hiệu cẩn thận. Tuy không có giá trị vật chất nhưng đối với tôi đó là tài sản vô giá. 

Ông Đào Xuân Mộc (khu Trới 1, phường Hoành Bồ, TP Hạ Long) chỉ vào tấm huy hiệu "Chiến sĩ Điện Biên Phủ" luôn được ông đeo trên ngực áo.

3 kỷ vật đi cùng năm tháng

Năm nay đã gần 90 tuổi, trải qua bao biến cố, thăng trầm nhưng ông Hoàng Thế Trọng (sinh năm 1936, phường Bãi Cháy, TP Hạ Long) luôn mang theo và cất giữ cẩn thận 3 kỷ vật có được khi tham gia hành quân lên chiến trường tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Đoàn đại biểu Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh thăm, tặng quà nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ cho ông Hoàng Thế Trọng.

Năm 1954, ông xung phong tòng quân, được biên chế về Tiểu đội C71, Tiểu đoàn D68, Tỉnh đội Thái Nguyên. Trước ngày lên đường, ông sung sướng và tự hào khi được mặc trên mình bộ quân phục, chính thức trở thành anh bộ đội Cụ Hồ. Đặc biệt, ông được đơn vị phát một chiếc bao tượng (còn gọi là ruột tượng) để đựng lương thực, chủ yếu là gạo trong những ngày hành quân lên Điện Biên. Chiếc bao tượng đựng được tối ta 8kg gạo, có thể đeo quanh bụng hoặc vắt chéo qua vai. Suốt quãng đường hành quân cả chục cây số mỗi ngày, cùng với ba lô và trang bị chiến đấu, chiếc ruột tượng được ông giữ bên mình. Tuy mang vác nặng nhọc vất vả, nhưng nghĩ đến chiếc ruột tượng nhiều lần bị rách đã được mẹ mình khâu cho, hơi ấm tình cảm ấy khiến ông có thêm niềm tin, nghị lực cùng đồng đội tiến lên phía trước.

Chiếc ca mang dòng chữ "Kháng chiến nhất định thắng lợi".

 

Vào quân ngũ, cùng với quân tư trang, ông Hoàng Thế Trọng còn được phát một chiếc ca mang dòng chữ "Kháng chiến nhất định thắng lợi" và "Kiên quyết làm tròn nhiệm vụ". Trong suốt cuộc đời bộ đội của mình cũng như những năm tháng sau này, chiếc ca luôn được ông mang theo trong ba lô, đồng hành cùng ông trong những thời khắc khó khăn gian khổ, khích lệ ông trong mọi hoàn cảnh đều phải nỗ lực, "kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ". Trải qua thời gian, chiếc ca giờ đã han gỉ và có nhiều vết thủng nhưng ông Trọng vẫn giữ gìn, để trang trọng trên kệ tủ. Ông cũng dặn vợ con phải giữ gìn cẩn thận, vì đó là kỷ vật hiếm hoi ông mang về từ chiến trường Điện Biên.

Chiếc ruột tượng và túi đựng bàn chải đánh răng được ông Hoàng Thế Trọng giữ gìn cẩn thận.

Chặng đường hành quân lên Điện Biên, đơn vị của ông Trọng phải dừng nghỉ nhiều lần, ăn ở nhờ bà con dân bản. Bộ đội được quán triệt phải giữ nghiêm nội quy, quy chế Quân đội, nếu ai phạm sai lầm dù là rất nhỏ cũng sẻ bị kỷ luật nghiêm. Phải thực hiện đúng phương châm "Đi dân nhớ, ở dân thương", không được tơ hào bất cứ thứ gì của nhân dân. Quân với dân như cá với nước, các anh bộ đội Cụ Hồ vì vậy luôn được nhân dân yêu mến. Các mẹ, các chị, các em thiếu niên đều quan tâm, quấn quýt với bộ đội. Khi các anh tiếp tục hành quân thực hiện nhiệm vụ, mọi người đều động viên, tặng quà, nhiều người khóc.

Ông Hoàng Thế Trọng giờ vẫn còn giữ một kỷ vật, đó là món quà của một cô gái trẻ tên là Sâm đã đi bộ 40km đường rừng đuổi theo đơn vị để tặng cho ông. Đó là một chiếc túi vải đựng bàn chải đánh răng được cô gái khâu cẩn thận, tỉ mỉ, phối màu rất đẹp. Trong lúc vội vàng hành quân với khí thế nhằm thẳng hướng Điện Biên, ông chỉ kịp nhớ được tên cô gái ấy. Thời gian qua đi, đến giờ ông không còn nhớ địa chỉ cô gái tặng quà cho mình, nhưng món quà cô tặng thì ông còn giữ vẹn nguyên như mới...

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Hoàng Thế Trọng cùng đồng đội được tuyển chọn về Hà Nội tham gia lễ duyệt binh, diễu binh, diễu hành nhân kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám thành công và 10 năm thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, ngày 2/9/1955.

 

Tấm ảnh của thanh xuân

Trải qua bao năm tháng chiến tranh gian khổ và thăng trầm của cuộc sống, những cựu binh Điện Biên năm xưa nay người còn, người mất; các kỷ vật được giữ lại cũng không còn nhiều. Kỉ vật nhiều người giữ được là những tấm ảnh của một thời thanh xuân đầy nhiệt huyết.

Cựu chiến binh Trần Xuân Hiền (90 tuổi, khu 1, phường Yết Kiêu, TP Hạ Long), trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông ở Tiểu đoàn 251, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316. Sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, trong một lần về phép thăm gia đình tại huyện Nam Đàn (tỉnh Nghệ An), ông đã chụp ảnh chung với người em gái của mình. Nói đến đây, ông Hiền cầm bức ảnh đen trắng đã mờ, ố theo dấu thời gian được ông cất giữ suốt 70 năm qua.

Ông Phạm Công Thành (giữa, hàng ngồi) và những đồng đội ở Điện Biên năm xưa. Ảnh Tư liệu của nhân vật.

Còn cựu chiến binh Phạm Công Thành (Khu phố Chùa Bằng, TX Quảng Yên), trong chiến dịch Điện Biên Phủ ông ở Trung đoàn 141, Đại đoàn 312, Tiểu đội trưởng của Tiểu đoàn Quân y có nhiệm vụ cứu chữa thương binh, thu dọn chiến trường. Trong quá trình thu dọn chiến trường, ông cùng 2 đồng đội đã cứu chữa một nữ quân nhân Pháp bị thương ở đùi đang chảy máu đầm đìa.

Sau khi được băng bó vết thương xong, cảm kích sự nhân văn của người lính Cụ Hồ, nữ quân nhân Pháp đã tặng ông Thành một con dao nhíp nhỏ đa năng, có nhiều lưỡi vẫn còn như mới. Trên thân dao ghi dòng chữ tiếng Pháp là nhãn hiệu sản xuất và vật liệu làm ra nó là loại thép không gỉ. Con dao nhíp được cựu chiến binh Phạm Công Thành lưu giữ đến ngày nay, nhắc ông nhớ về một thời chiến đấu dưới mưa bom bão đạn. Ngoài ra, ông Thành còn giữ được một chiếc ca trên đó còn in 3 lá cờ Việt Nam, Liên Xô, Trung Quốc; một chiếc mũ trận của chiến sĩ Điện Biên Phủ; một tấm ảnh ông chụp cùng đồng đội bên căn nhà mái lá ở chiến khu...

Ông Phạm Công Thành (Khu Chùa Bằng, TX Quảng Yên) xem lại con dao nhíp được ông cất giữ đến ngày nay.

70 năm đã trôi qua, giờ đây những cựu chiến binh Điện Biên năm xưa đã ở tuổi xưa nay hiếm. Nhiều cựu chiến sĩ Điện Biên vì thương tật và tuổi tác đã mang theo ký ức năm xưa về bên kia thế giới. Những kỷ vật của họ còn lưu lại tuy không nhiều nhưng là vô giá. Đó là những hiện vật biết nói, kể cho thế hệ trẻ hôm nay nhiều câu chuyện hào hùng của cha ông năm xưa.

Dương Trường - Hoàng Quý

Các tin khác
Lượt truy cập:
Trực tuyến:
CHÍNH QUYỀN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG NINH
Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân Tỉnh Quảng Ninh
Hỗ trợ:
Điện thoại: 1900.558.826
Email: chinhquyendientu@quangninh.gov.vn