DỊCH VỤ CÔNG


TÌNH HÌNH
XỬ LÝ


HỎI ĐÁP

TIN TỨC
Xây dựng Quảng Ninh xanh-sạch-đẹp

Nhiều năm nay, với các giải pháp quyết liệt gắn phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường (BVMT), chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh từ thành thị đến nông thôn đã có sự thay đổi tích cực.

Xanh - sạch từ nông thôn

Có thể thấy rõ, ý thức BVMT ở khu vực nông thôn của người dân đã có chuyển biến tích cực, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Người dân xã Tân Lập (Đầm Hà) vệ sinh môi trường khu dân cư.

Các địa phương tiếp tục triển khai các mô hình phân loại rác thải, cộng đồng tham gia quản lý, phân loại rác thải tại nguồn ở khu vực nông thôn; đẩy mạnh các phong trào BVMT, như: “Ngày chủ nhật xanh”; khơi thông dòng chảy, phát quang bụi rậm trong các chiến dịch phòng chống sốt xuất huyết, BVMT… Từ năm 2021 đến nay MTTQ các cấp đã vận động thu gom 365 tấn rác các loại; hỗ trợ cho 2 huyện Bình Liêu và Ba Chẽ xây dựng 827 nhà tiêu hợp vệ sinh.

Trong 290,548 tấn rác thải phát sinh mỗi ngày ở khu vực nông thôn tỉnh thì có 267,45 tấn được thu gom, xử lý. Chuồng trại chăn nuôi được người dân di dời xa khu vực dân cư sinh sống và xây dựng đảm bảo vệ sinh môi trường. 100% cơ sở chăn nuôi trang trại có báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch BVMT được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; áp dụng biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi, giảm thiểu khí nhà kính. Bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng được thu gom, xử lý theo quy định.

Nông dân TX Quảng Yên có ý thức bỏ vỏ bao bì thuốc BVTV sau sử dụng vào đúng nơi quy định. Ảnh: Thanh Hằng

Các cấp, ngành, doanh nghiệp và người dân tập trung xây dựng các mô hình xã, thôn, vườn kiểu mẫu. Nhờ đó nhiều địa bàn nông thôn trong tỉnh đang trở thành nơi đáng sống với cảnh quan, môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp; những tuyến đường hoa, cây bóng mát...; xây dựng cuộc sống văn minh, hiện đại. Đến nay 98/98 xã của tỉnh đạt chuẩn NTM; trong đó 56 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 28 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Đẹp ở thành thị

Môi trường đô thị ở Quảng Ninh cũng chuyển biến rõ nét. Cả 6 KCN đang hoạt động đều đầu tư hạ tầng BVMT, hệ thống xử lý nước thải tập trung và lắp đặt hệ thống quan trắc tự động. Các doanh nghiệp khai thác khoáng sản, các nhà máy nhiệt điện, nhà máy xi măng thực hiện nhiều công trình, giải pháp BVMT trong sản xuất; nghiên cứu lựa chọn các công nghệ khai thác, chế biến, sàng tuyển theo hướng đồng bộ hóa các khâu; đầu tư các thiết bị vận chuyển tân tiến, hiện đại, giảm phát thải khí độc hại ra môi trường.

Máy phun sương cao áp dập bụi tại khu vực kho than Công ty CP Than Hà Tu. Ảnh: Việt Trung (CTV)

Ở các khu, điểm du lịch, khách sạn, nhà hàng đều trang sắm thiết bị phân loại rác thải, sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường. Các khu di tích đều có các phương án BVMT di tích, lễ hội…

Ở khu dân cư khu vực thành thị, người dân thường xuyên tổ chức vệ sinh môi trường khu phố, thu gom rác thải nhựa… 95,8% trong tổng số 898.553 tấn rác thải phát sinh mỗi ngày ở khu vực thành thị được thu gom, xử lý đảm bảo. Các chất thải nguy hại đều được thu gom, lưu giữ theo quy định, được các chủ nguồn thải hợp đồng với các đơn vị được cơ quan có thẩm quyền cấp phép xử lý; trong đó khối lượng chất thải nguy hại được xử lý là 11.264,632 tấn, đạt 99,99% tổng lượng phát sinh mỗi ngày, khối lượng lưu kho 0,16683 tấn, đạt 0,001%.

Công nhân thu gom rác thải tại thị trấn Quảng Hà (huyện Hải Hà).

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 3/5 khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt cấp vùng đi vào hoạt động; 9/13 địa phương cấp huyện có lò đốt rác được đầu tư đã đi vào hoạt động, với tổng số 19 lò đốt rác, cơ bản đảm bảo giải quyết nhu cầu xử lý chất thải rắn sinh hoạt, đáp ứng tiêu chí về môi trường theo quy định. Nhà máy xử lý và tái chế chất thải công nghiệp nguy hại (tại xã Dương Huy, TP Cẩm Phả) của Công ty TNHH MTV Môi trường - TKV được Bộ TN&MT cấp phép hoạt động.

Cán bộ, hội viên Chi hội Phụ nữ khu phố 1 (phường Hùng Thắng, TP Hạ Long) tham gia vớt rác thải tại hồ Hùng Thắng. Ảnh: Hoàng Nga

Các cơ quan chức năng còn chủ động quản lý, kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải, nhất là nước thải công nghiệp tại các KCN, CCN, các nguồn thải có quy mô lớn, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Theo đó đã kiểm soát tự động tình hình phát sinh và xử lý nước thải công nghiệp của các nguồn thải qua 138 hệ thống quan trắc môi trường tự động. Trên địa bàn tỉnh hiện có 4 địa phương có hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung khu vực đô thị…

Các địa phương trong tỉnh đang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU (ngày 26/9/2022 của BCH Đảng bộ tỉnh "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030". Qua đó tiếp tục nâng cao chất lượng môi trường, xây dựng Quảng Ninh ngày càng xanh - sạch - đẹp, trở thành nơi đáng sống.

Thu Nguyệt

Các tin khác
Lượt truy cập:
Trực tuyến:
CHÍNH QUYỀN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG NINH
Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân Tỉnh Quảng Ninh
Hỗ trợ:
Điện thoại: 1900.558.826
Email: chinhquyendientu@quangninh.gov.vn