DỊCH VỤ CÔNG


TÌNH HÌNH
XỬ LÝ


HỎI ĐÁP

TIN TỨC
Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho phụ nữ, trẻ em

Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho phụ nữ, trẻ em, nhất là phụ nữ, trẻ em vùng DTTS hay có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, là một nhiệm vụ quan trọng luôn được các cấp hội Phụ nữ trong tỉnh quan tâm, chỉ đạo thực hiện sát sao. Với nhiều hoạt động thiết thực, phụ nữ, trẻ em ở các vùng miền trong tỉnh đã được chăm sóc chu đáo, tạo mọi cơ hội để phát triển.


Một buổi sinh hoạt tại CLB "Thủ lĩnh của sự thay đổi" của Trường TH-THCS Đại Dực 2 (xã Đại Dực, huyện Tiên Yên).

Chăm lo cho trẻ em, những năm qua, Hội LHPN các cấp tập trung tuyên truyền trên nhiều kênh thông tin của địa phương, của Hội về các các văn bản, chính sách mới của Đảng, Nhà nước dành cho trẻ em, đặc biệt là đối tượng trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; trẻ em nghèo miền núi, trẻ em DTTS và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Các cấp Hội đã tích cực vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân nâng cao nhận thức về trách nhiệm của xã hội, gia đình và cá nhân trong công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em; đặc biệt là về phòng chống xâm hại tình dục trẻ em, phòng chống buôn bán phụ nữ trẻ em, phòng chống ma túy, mại dâm, phòng chống bạo lực gia đình đối với trẻ em.

Riêng năm 2023, các cấp hội Phụ nữ trong tỉnh có trên 700 tin, bài, 5 phóng sự tuyên truyền các hoạt động, nội dung liên quan đến công tác trẻ em; tổ chức 102 lớp tập huấn tuyên truyền cho gần 9.000 lượt cán bộ, hội viên phụ nữ về các nội dung liên quan đến trẻ em. Hội LHPN tỉnh đã chủ trì, phối hợp với Sở GD&ĐT và Tỉnh Đoàn triển khai Cuộc thi sáng tác sản phẩm truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới dành cho trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi lần thứ nhất năm 2023 do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động (là một hoạt động Dự án 8 - Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em).

Toàn tỉnh có tổng số 496 sản phẩm dự thi, Ban Giám khảo cấp tỉnh đã lựa chọn được 18 sản phẩm gửi dự thi cấp Trung ương, trong đó có có 2 tác phẩm đoạt giải (giải Khuyến khích thể loại Tranh vẽ và giải Ba thể loại Video Clip).

Đặc biệt, thực hiện Chương trình "Mẹ đỡ đầu", trong năm 2023, các cấp Hội trong toàn tỉnh vận động, kết nối, hỗ trợ, đỡ đầu cho 211 trẻ mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đảm nhận đỡ đầu (hoặc kết nối giới thiệu đỡ đầu) chăm sóc trực tiếp, giúp đỡ, nuôi dưỡng, với số tiền vận động trên 1 tỷ đồng, nâng tổng số trẻ em mồ côi được nhận đỡ đầu theo Chương trình này lên trên 500 trẻ từ đầu giai đoạn đến nay.

Các cấp Hội tiếp tục duy trì sinh hoạt hàng tháng tại 4 CLB “Thân thiện” tại TP Hạ Long, Cẩm Phả và Uông Bí; 4 CLB “Quyền trẻ em” tại TP Cẩm Phả và TX Đông Triều; duy trì mô hình "Điểm chia sẻ chắp cánh ước mơ"; thành lập mới 1 mô hình "Đan áo cho em" tại phường Quang Trung, TP Uông Bí với sự tham gia của 14 thành viên là hội viên phụ nữ. Đồng thời, duy trì và hướng dẫn 3 mô hình “Chăm sóc và giáo dục phát triển toàn diện trẻ thơ” tại huyện Ba Chẽ, TX Quảng Yên và TP Uông Bí sinh hoạt theo định kỳ; thành lập 10 mô hình CLB "Thủ lĩnh của sự thay đổi" tại 7 xã tại các địa phương: Hạ Long, Móng Cái, Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên, mỗi câu lạc bộ có từ 15-30 thành viên.


Đại diện Chi hội Phụ nữ khu 5B (phường Quang Trung, TP Uông Bí) thăm hỏi, tặng quà động viên hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn khu.

Cùng với việc chăm lo cho trẻ em, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh còn triển khai nhiều hoạt động thiết thực để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho phụ nữ. Nổi bật là phong trào "Mỗi hội viên, phụ nữ lựa chọn một hình thức thể dục, thể thao phù hợp để rèn luyện sức khoẻ" tiếp tục được lan tỏa ở 177/177 cơ sở Hội.

Riêng năm 2023, các cấp Hội đã ra mắt mới 68 CLB thể dục, thể thao, văn hóa văn nghệ do phụ nữ làm nòng cốt. Đến nay, tiếp tục duy trì 513 CLB bóng chuyền hơi, 40 CLB bóng đá nữ; duy trì, phát triển nhân rộng 854 CLB dân vũ trong toàn tỉnh.

Với Cuộc vận động "Phụ nữ Quảng Ninh xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" (ở tất cả các địa phương) và "5 có, 3 sạch" ở địa bàn đang xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao, riêng năm 2023, toàn tỉnh có 2.997 phụ nữ được hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình, tổ chức cuộc sống gia đình, chăm sóc nuôi dạy con, ăn ở hợp vệ sinh, an toàn vệ sinh thực phẩm…

Trong năm vừa qua, các cấp Hội cũng tiếp tục triển khai chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" tại huyện Bình Liêu, Hải Hà; phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh giải ngân 100 triệu đồng 10 mô hình kinh tế, vận động hỗ trợ 9 mô hình nuôi gà, lợn, ngan cho 9 hội viên phụ nữ tại huyện Bình Liêu. Bên cạnh đó, duy trì, nhân rộng các mô hình phụ nữ phân loại rác thải, bảo vệ môi trường, với 1.992 mô hình (hơn 200.000 thành viên) tham gia, 149/177 (84,1%) cơ sở duy trì thực hiện, trong đó, phát triển mới 224 mô hình "Biến rác thành tiền", thu gom rác tái chế, bán phế liệu được trên 1,1 tỷ đồng để hỗ trợ chăm lo cho phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Để chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho phụ nữ, trẻ em, năm 2024, Hội LHPN tỉnh đang tiếp tục phấn đấu để có thể giúp đỡ 100% hội viên phụ nữ trong diện hộ nghèo của tỉnh. Toàn tỉnh sẽ hỗ trợ tối thiểu 1.000 phụ nữ là chủ doanh nghiệp, quản lý hợp tác xã, chủ hộ kinh doanh... nâng cao kiến thức, năng lực, kỹ năng; hỗ trợ thành lập mới hợp tác xã (hoặc tổ hợp tác) có phụ nữ tham gia quản lý.

Hội LHPN tỉnh, huyện tích cực giám sát các chính sách, phản biện hoặc tham gia phản biện xã hội các dự thảo văn bản liên quan đến phụ nữ, trẻ em, gia đình, bình đẳng giới và tổ chức Hội. Hội LHPN tỉnh và mỗi Hội LHPN huyện, cơ sở sẽ tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động thực hiện bình đẳng giới; hỗ trợ 100% phụ nữ, trẻ em gái là nạn nhân của bạo lực gia đình, nạn nhân mua bán người trở về.

Lan Anh

Các tin khác
Lượt truy cập:
Trực tuyến:
CHÍNH QUYỀN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG NINH
Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân Tỉnh Quảng Ninh
Hỗ trợ:
Điện thoại: 1900.558.826
Email: chinhquyendientu@quangninh.gov.vn