DỊCH VỤ CÔNG


TÌNH HÌNH
XỬ LÝ


HỎI ĐÁP

TIN TỨC
Nhất quán quyết tâm chính trị, tận tâm, mẫu mực phục vụ nhân dân, doanh nghiệp và xã hội

Sau 6 năm liên tiếp dẫn đầu Chỉ số PCI (2017-2022), năm 2023, Quảng Ninh tiếp tục xướng tên ở vị trí quán quân PCI, nối dài thành tích đứng đầu lên năm thứ 7. Kết quả lần nữa làm nức lòng những người Quảng Ninh và hài lòng những người yêu mến dành tình cảm đặc biệt cho vùng đất địa đầu Đông Bắc Tổ quốc. Nhân sự kiện này, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh đã có những chia sẻ về hành trình chinh phục đỉnh cao đầy nỗ lực bền bỉ của tỉnh Quảng Ninh trong nhiều năm qua cũng như những áp lực đặt ra và các giải pháp để giữ vững thương hiệu PCI Quảng Ninh. Trung tâm Truyền thông tỉnh trân trọng giới thiệu nội dung cuộc phỏng vấn.

- Tỉnh Quảng Ninh đã có 7 năm liền giữ vị trí quán quân PCI, 11 năm liên tiếp trong nhóm 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước. Thưa đồng chí, thành tựu này có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển của tỉnh Quảng Ninh?

+ Nói tới 7 năm liên tiếp dẫn đầu cả nước 2017 - 2023, 11 năm liên tiếp trong nhóm 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước, chúng ta phải nói tới cả 5 năm liên tục giữ vị trí dẫn đầu Chỉ số SIPAS (2019 - 2023), 6 năm dẫn đầu Chỉ số PAR INDEX (2017 - 2020 và 2022 - 2023). Đó là cả chặng đường kiên trì, nỗ lực trong xây dựng thương hiệu Quảng Ninh trở thành “Điểm đểm đến đầu tư an toàn, thuận lợi, minh bạch, hấp dẫn và thành công” gắn liền với quá trình không ngừng nâng cao chất lượng CCHC – một trong 3 khâu đột phá chiến lược của Đại hội XI của Đảng mà tỉnh đã thực hiện trong suốt thời gian qua. Và từ đó, Quảng Ninh đã định hình hệ giá trị địa phương với 6 đặc trưng cơ bản: “Thiên nhiên tươi đẹp - Văn hóa đặc sắc - Xã hội văn minh - Hành chính minh bạch - Kinh tế phát triển - Nhân dân hạnh phúc”.

Các chỉ số đó là những thang đo, đánh giá khách quan, khoa học về chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh của tỉnh ta, tập hợp tiếng nói khách quan của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, ghi nhận đúng mức những nỗ lực không ngừng nghỉ của hệ thống chính trị, các cấp chính quyền tỉnh Quảng Ninh trong việc thực hiện mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng và sự hài lòng phục vụ nhân dân và doanh nghiệp.


Quảng Ninh nhận Cúp và Chứng nhận PCI năm 2022 với vị trí số 1. Ảnh: Đỗ Phương

Nhờ đó, đã góp phần rất quan trọng trong thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững những năm vừa qua: Chỉ nói riêng về thu hút đầu tư, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XV đến nay đã thu hút được trên 566.000 tỷ đồng nguồn vốn ngoài ngân sách; trong đó thu hút FDI đạt 7,72 tỷ USD, gấp 3,3 lần cả nhiệm kỳ 2016 - 2020; năm 2023, thu hút FDI đạt 3,1 tỷ USD.

Nhìn tổng thể trong suốt hơn một thập kỷ qua cũng là giai đoạn tỉnh Quảng Ninh luôn tìm tòi và đột phá đưa công cuộc đổi mới đi vào chiều sâu, hướng trọng tâm vào chất lượng phát triển, chất lượng sống của người dân; chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xanh hoá, lấy du lịch làm mũi nhọn gắn với phát triển bền vững kinh tế biển, phát triển hài hòa giữa các vùng lãnh thổ gắn với xây dựng nông thôn mới và thúc đẩy đô thị hóa, phát triển đô thị thông minh, hiện đại, văn minh dựa trên các trụ cột thiên nhiên - con người - văn hoá kết hợp với xu thế hòa bình, hợp tác, hội nhập và cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại. Tạo bước chuyển lớn trong phát triển văn hoá - xã hội, con người, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao mức sống và chất lượng sống nhân dân, thu hẹp chênh lệch vùng miền; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, xây dựng phòng tuyến cạnh tranh và hợp tác kinh tế quốc tế; duy trì tốc độ tăng trưởng GRDP đạt trên 10% trong 9 năm liên tiếp (2015 - 2023). Riêng năm 2023 tăng trưởng GRDP đạt 11,03%; quy mô nền kinh tế đứng thứ 3 ở khu vực phía Bắc; GRDP bình quân đầu người đạt trên 9.500 USD, cao nhất ở khu vực phía Bắc; tổng thu ngân sách nhà nước, nhất là thu nội địa luôn đứng trong tốp đầu cả nước. Quý I/2024, trong bối cảnh có rất nhiều khó khăn, thách thức, Quảng Ninh vẫn giữ vững đà tăng trưởng GRDP của địa phương là một cực tăng trưởng ở khu vực phía Bắc, đạt 8,79%; đồng thời hoàn thành nhiều mục tiêu về văn hóa xã hội con người theo chủ đề công tác năm 2024 của tỉnh “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”.

- Để đạt kỳ tích này, tỉnh Quảng Ninh đã phải vượt qua nhiều thách thức, chông gai như đồng chí từng chia sẻ “trên tay là hoa hồng nhưng bàn chân thấm đau vì những mũi gai”. Vậy đâu là nguyên nhân của những thành công trên hành trình cải cách, đổi mới của tỉnh Quảng Ninh, thưa đồng chí?

+ Những năm vừa qua, chúng ta đã thấm thía một điều, “không có áp lực, không có kim cương”. Có thể nói, hành trình chinh phục đỉnh cao PCI, SIPAS, PAR-Index trong hàng chục năm vừa qua là kết quả tổng hợp của nhiều nhân tố, song tựu chung lại đó là quá trình liên tục nỗ lực, bền bỉ:

Đó là việc kiên trì đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng đối với xây dựng chính quyền địa phương thân thiện với người dân và doanh nghiệp, tinh gọn tổ chức bộ máy, trong sạch vững mạnh, kiến tạo, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đổi mới quản trị địa phương hiện đại, tự chủ, năng động, hiệu quả, chuyên nghiệp, kỷ cương, công khai, minh bạch; nâng cao chất lượng thực thi chính sách, pháp luật, năng lực phản ứng chính sách, kịp thời xử lý các vấn đề mới phát sinh thuộc thẩm quyền, không đùn đẩy, không né tránh trách nhiệm; nâng cao năng lực quản trị phát triển bền vững địa phương với các trụ cột: Kinh tế, Xã hội, Môi trường và An ninh.

Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và đồng chí Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc triển khai, thực hiện các chỉ số của tỉnh Quảng Ninh năm 2023.

Kiên trì xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng yêu cầu công tác, luôn đề cao và thực hành văn hoá phục vụ người dân và doanh nghiệp trở thành lẽ tự nhiên, là bổn phận, trách nhiệm, được dẫn dắt, định hướng, định hình và lan tỏa bởi sự nêu gương, làm gương của người đứng đầu qua hành động thực tế, “nhiệt huyết và truyền lửa”, sâu sát cơ sở, nắm chắc thực tế, nói đi đôi với làm, nói lời thật, làm việc thật, đạt hiệu quả thật; kiên định niềm tin, khiêm tốn, cầu thị, gian khổ phấn đấu, chăm chỉ cần cù làm việc, tận tâm phục vụ nhân dân, doanh nghiệp và xã hội.

Kiên trì đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Quảng Ninh trong hơn 10 năm qua với những quyết sách chính trị đổi mới mạnh mẽ: Năm 2014, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU về “đẩy mạnh cải cách hành chính và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030”; đặc biệt tại Đại hội XV nhiệm kỳ 2020-2025 của Đảng bộ tỉnh, tỉnh Quảng Ninh đã quyết định đưa mục tiêu giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về 04 Chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS và PAPI vào Nghị quyết Đại hội và ban hành Nghị quyết chuyên đề số 05-NQ/TU ngày 09/4/2021 của Tỉnh ủy “về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện bằng các biện pháp quyết liệt, hiệu quả hơn; HĐND tỉnh ban hành 3 Nghị quyết cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy cải cách hành chính; UBND tỉnh ban hành trên 30 Quyết định, Kế hoạch, chương trình hành động và trên 570 thông báo, văn bản chỉ đạo điều hành.

Kiên trì tạo mọi điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỉ trọng đóng góp trong GRDP, ngày càng trở thành một động lực quan trọng để phát triển kinh tế.

Kiên trì nỗ lực, tự lực, tự cường thực hiện thành công ba khâu đột phá chiến lược, tạo đột phá về tốc độ phát triển các hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối liên thông, tổng thể thúc đẩy liên kết vùng và nội vùng, hội nhập phát triển; về chất lượng cải cách hành chính; về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng đẩy mạnh đầu tư vào giáo dục, đào tạo; xây dựng hệ sinh thái dân sinh hấp dẫn.

Kiên trì mạnh dạn thí điểm áp dụng những mô hình quản trị mới phù hợp thực tiễn phát triển địa phương phục vụ nhân dân, doanh nghiệp, đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước chuyển đổi số toàn diện; mở rộng sự kết nối, trao đổi thông tin, tăng cường tương tác thường xuyên giữa chính quyền các cấp với người dân và doanh nghiệp. Tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, công khai, minh bạch, cạnh tranh công bằng, bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực, đặc biệt là đất đai, lao động giữa các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các thành phần kinh tế, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

- Kết quả PCI trong 7 năm qua của tỉnh Quảng Ninh là một kỳ tích song cũng là thách thức rất lớn đối với tỉnh. Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh sẽ làm gì để giữ vững thương hiệu PCI?

+ Quảng Ninh đã có 7 năm liên tiếp dẫn đầu PCI, 5 năm liên tục dẫn đầu chỉ số SIPAS, 6 năm dẫn đầu chỉ số PAR-Index. Để đạt được mục tiêu tiếp tục giữ vững vị trí nhóm đầu các chỉ số đó, vừa là động lực nhưng đầy áp lực và rất nhiều thử thách đối với chúng ta.

Bởi vì: Thứ nhất, năm 2023 chúng ta tiếp tục dẫn đầu trong bảng chỉ số PCI đạt 71,25 điểm nhưng so với năm 2022 thì chúng ta bị giảm 1,7 điểm, điều đáng chú ý là ngoài 3 trục chỉ số (chi phí thời gian, hỗ trợ doanh nghiệp, chi phí không chính thức) chúng ta tăng và đứng ở thứ hạng cao trong cả nước thì các chỉ số thành phần còn lại bị giảm điểm hoặc không tăng. Như vậy, chúng ta phải đi sâu phân tích từng trục chỉ số, đánh giá nguyên nhân tăng, giảm và tìm giải pháp giữ và đẩy lên. Thêm nữa, trong 18 năm tham gia vào PCI, năm 2020 là năm chúng ta đạt được điểm số cao nhất là 80/100 điểm, các năm khác đều chỉ nhỉnh hơn 70 điểm, dư địa để tăng điểm số của chúng ta còn rất lớn. Điều này nhắc nhở mỗi cán bộ, công chức, viên chức, cả hệ thống của chúng ta mọi công việc giải quyết, thực hiện hàng ngày phải gắn với từng trục nội dung chỉ số, vừa cần có quyết tâm lớn, quyết liệt cao vừa phải biết làm, dám làm để vừa giữ vững vị trí dẫn đầu vừa có được sự bứt tốc ở những năm tiếp theo. Thứ hai, chúng ta đã thấm đẫm quan điểm hành động “chỉ nhìn về phía trước để tiến lên”. Vậy phía trước của chúng ta đang là gì? Đó là xu hướng phát triển, nhu cầu của doanh nghiệp, nhà đầu tư hiện nay là công nghệ gắn với chuyển đổi số, là chuyển đổi xanh gắn với phát triển xanh, là nhân lực chất lượng cao gắn với làm chủ công nghệ. Đây là thách thức mà chúng ta buộc phải bắt kịp và vượt trước. Năm 2023 chúng ta đứng đầu chỉ số xanh cấp tỉnh, đây là điều rất khích lệ cho quá trình rất kiên trì, bền bỉ và nỗ lực thực hiện chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” của tỉnh ta. Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận điểm yếu của Quảng Ninh hiện nay là chuyển đổi số và chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhân dân. Vậy nên cần sớm hoàn thành việc xây dựng hệ sinh thái dân sinh hấp dẫn để Quảng Ninh thực sự mà nơi có thiên nhiên tươi đẹp, kinh tế phát triển, xã hội văn minh, nhân dân hạnh phúc.

Vì vậy, đội, ngũ CB, CC, VC toàn tỉnh cần phải nhận thức rõ trên hành trình cải cách, những nỗ lực phải đến hằng ngày, tuyệt đối không được chủ quan, tự thỏa mãn với kết quả đã đạt được. Thử thách, chông gai vẫn còn ngổn ngang phía trước còn rất lớn bởi khi giải quyết được mâu thuẫn này thì cuộc sống lại xuất hiện mâu thuẫn mới phức tạp hơn, đòi hỏi năng lực quản trị phát triển bền vững địa phương ở tầm mức cao hơn. Phải luôn nhận diện kịp thời những mâu thuẫn trong thực tiễn quản lý, khó khăn, thách thức của người dân và doanh nghiệp để tìm cách tháo gỡ, giải quyết theo phương châm “cái gì không đo lường được thì không quản trị được”, “cái gì không đo lường được thì không thay đổi được”. Trên tinh thần đó, phải tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp sau đây:

Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, kiểm tra đột xuất công vụ tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đầu năm 2024.

Một là, tiếp tục quyết liệt triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định thủ tục hành chính; ứng dụng triệt để công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa chuyển đổi số toàn diện để tăng tính công khai, minh bạch; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên nền tảng số tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp và xã hội.

Nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ doanh nghiệp trong tiếp cận đất đai bình đẳng, tháo gỡ ách tắc, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp, giảm chi phí đầu vào, giảm rủi ro chính sách; hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi giá trị; nâng cao mức độ tuân thủ pháp luật về môi trường. Nâng cao hiệu quả đầu tư công, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân, ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng liên kết vùng, hạ tầng năng lượng, chuyển đổi số, khoa học- công nghệ, đổi mới sáng tạo. Xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp thẩm quyền về đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài, lao động có kỹ năng, chuyên môn cao gắn với các điều kiện đảm bảo an sinh, an ninh, an toàn.

Hai là, đặc biệt coi trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả khâu tổ chức thực hiện có ý nghĩa quyết định gắn với trách nhiệm người đứng đầu theo phương châm “chủ trương một, biện pháp mười, quyết tâm hai mươi”. Cải cách hành chính, ẩn chứa đằng sau là các động lực thúc đẩy bởi các tác nhân thể chế, thiết chế tổ chức, chuyển đổi số, nhân lực, nhưng tất cả đều hội tụ ở nhân tố con người, là cán bộ và công tác cán bộ, “Cán bộ là gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”, do vậy phải tiếp tục tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, trước hết là người đứng đầu các cấp, các ngành có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới gắn với chuẩn bị tốt nhân sự cho đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội XVI của Đảng bộ tỉnh.

Ba là, đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao đạo đức công vụ, kiên quyết sàng lọc, thay thế kịp thời những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật, kỷ luật, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, giảm sút uy tín, triệt để xóa bỏ tình trạng gây phiền hà, nhất là nhũng nhiễu doanh nghiệp, gây phiền hà cho người dân. Tăng cường giáo dục kỷ luật, chấp hành kỷ luật, dùng kỷ luật nghiêm minh và giám sát nghiêm khắc để cán bộ, đảng viên biết giữ gìn, nhớ điều cấm, giữ giới hạn, quen làm việc và sinh sống trong môi trường bị giám sát, bị ràng buộc để làm đúng hơn, làm nhanh hơn, làm tốt hơn, tận tâm, tận lực phục vụ Nhân dân, nêu gương, làm gương ở mọi nơi, mọi lúc, trong mọi hoàn cảnh, phải thật sự chí công vô tư, mọi việc đều xuất phát từ Nhân dân, vì Nhân dân; xây dựng và nhân lên hình ảnh, tác phong, cốt cách của cán bộ, công chức, viên chức Quảng Ninh chuyên nghiệp, kỷ cương, tận tâm, mẫu mực, năng động, sáng tạo vì người dân phục vụ.

Với thứ hạng PCI, PAR-Index, SIPAS nhiều năm liền ở vị trí thứ nhất đã giành được, thay mặt các đồng chí lãnh đạo tỉnh, tôi nhiệt liệt biểu dương, ghi nhận, đánh giá cao các cấp uỷ đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành của tỉnh, các tổ chức chính trị xã hội; trân trọng và cảm ơn các cán bộ, công chức, viên chức từ tỉnh đến cơ sở, đã nhất quán một quyết tâm chính trị, tận tâm, mẫu mực phục vụ nhân dân, doanh nghiệp và xã hội; cùng chung tay, chung sức vào cuộc để cùng góp nên kết quả tốt đẹp ngày hôm nay. Đồng thời, mong muốn và tin tưởng mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị của toàn tỉnh càng thêm tự hào, biết nâng niu và trân quý những thành quả đạt được thời gian qua để luôn luôn nuôi dưỡng tâm sáng, trí sáng, khát vọng đổi mới sáng tạo, không ngừng nỗ lực bền bỉ để vươn tới bằng tầm nhìn văn hóa, lòng tin chiến lược, trách nhiệm công vụ, đạo đức liêm chính, động lực nội sinh để giữ đà đổi mới, phát triển những năm tới, kiên trì nỗ lực, quyết tâm hoàn thành mục tiêu “Hằng năm, giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về Chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS và PAPI” đã được xác định Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025.

 

Thu Chung

Các tin khác
Lượt truy cập:
Trực tuyến:
CHÍNH QUYỀN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG NINH
Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân Tỉnh Quảng Ninh
Hỗ trợ:
Điện thoại: 1900.558.826
Email: chinhquyendientu@quangninh.gov.vn