DỊCH VỤ CÔNG


TÌNH HÌNH
XỬ LÝ


HỎI ĐÁP

TIN TỨC
Tuổi trẻ Quảng Ninh thực hiện lời Bác dạy

Như lời Bác dạy: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”, thanh niên Quảng Ninh đang kiên trì những mục tiêu phát triển bản thân và đóng góp cho xã hội trong bối cảnh địa phương, đất nước đang ngày càng đổi thay, trang bị cho mình bản lĩnh, kiến thức, kỹ năng của thời đại mới.


Lễ kết nạp Đoàn và công nhận lớp đoàn viên 30 năm Ngày thành lập TP Hạ Long.

Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội

Trong thư gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”. Người luôn nhấn mạnh vai trò của thế hệ thanh niên trong công cuộc xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước và sự chăm lo cho lực lượng thanh niên.

Trước khi thực hiện được vai trò, mục tiêu lớn lao, thế hệ thanh niên cần được nâng cao nhận thức về vai trò, mục tiêu của những hoạt động mình đang làm hằng ngày, “tùy theo sức của mình”. Tuổi trẻ của thời đại thông tin có nhiều lợi thế, nhạy bén về công nghệ nên có sự cập nhật nhanh chóng về thông tin, song sự bùng nổ thông tin, đặc biệt là từ mạng xã hội, cũng đặt ra những thách thức đối với công tác nâng cao nhận thức, rèn luyện cho thanh niên.


Giao lưu văn hóa Việt Nam - Lào tại Trường Đại học Hạ Long.

Nhận thức được những vấn đề đó, BTV Tỉnh Đoàn chỉ đạo các cấp bộ Đoàn toàn tỉnh tiếp tục kết hợp giữa học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với triển khai có hiệu quả cuộc vận động “Xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên Việt Nam thời kỳ mới” theo Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 9/3/2018 của Tỉnh ủy “Về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”; Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 của Tỉnh ủy “Về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững” và cuộc vận động “Văn minh thanh lịch là nếp sống của thanh niên Quảng Ninh” xây dựng thanh niên Quảng Ninh với các đặc trưng “Năng động - Hào sảng, Đoàn kết - Sáng tạo, Lành mạnh - Thân thiện, Văn minh - Thanh lịch”; thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử trên địa bàn tỉnh; tổ chức các chương trình “Hành trình giáo dục truyền thống”.

Đồng chí Nguyễn Phương Thảo, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, cho biết: BTV Tỉnh Đoàn luôn coi trọng việc quán triệt, thông tin kịp thời cho các ĐVTN nhằm nâng cao hiểu biết, nhận thức về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng những hoạt động cụ thể, chân thực, có trọng tâm. Để xây dựng thế hệ thanh niên vừa “hồng” vừa “chuyên”, là lực lượng xung kích chủ yếu của cách mạng, là chủ tương lai của nước nhà như lời dạy của Bác, các kế hoạch học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đều được gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị tại các địa phương, cơ quan, đơn vị với những nhóm nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, không để tình trạng mục tiêu chung chung.

Giai đoạn 2021-2024, toàn Đoàn có 190.050 ĐVTN đăng ký các nội dung tự tu dưỡng, tự rèn luyện, học tập chuyên đề về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với những nội dung cụ thể sau khi đã được hướng dẫn tìm hiểu và liên hệ thực tiễn. Đó là những khởi đầu đúng đắn cho quá trình rèn luyện, học tập lâu dài của mỗi ĐVTN, hướng đến những giá trị tốt đẹp như lời Bác dạy và đặt niềm tin vào thế hệ “mùa xuân” của đất nước.


Các hoạt động ý nghĩa trong chương trình trải nghiệm Trại hè Ước mơ hồng - “Chúng em là chiến sĩ Điện Biên”, hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Các cấp bộ Đoàn - Hội - Đội đã tổ chức hơn 1.400 hoạt động về nguồn, đến với địa danh lịch sử, địa chỉ đỏ, đền ơn đáp nghĩa; 452 chương trình tọa đàm, gặp mặt ôn truyền thống cho trên 60.850 lượt đoàn viên, thanh thiếu nhi. Toàn tỉnh tổ chức kết nạp 60.660 đoàn viên mới; trong đó nhiều đơn vị, cơ sở đoàn đã tổ chức lễ công nhận đoàn viên tại các khu di tích lịch sử, địa chỉ đỏ.

Việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được các cấp bộ Đoàn toàn tỉnh kết hợp chặt chẽ với nhiệm vụ chính trị, các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, gắn với kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện quan trọng của Đảng, của đất nước, của tỉnh, của tổ chức Đoàn - Hội - Đội; 3 phong trào hành động cách mạng, 3 chương trình đồng hành với thanh niên của Đoàn được triển khai đồng bộ, sâu rộng, hiệu quả, thu hút đông đảo ĐVTN toàn tỉnh tham gia. Đáng kể như phong trào thanh niên tình nguyện với việc thực hiện hiệu quả chủ trương “3 liên kết” (liên kết lực lượng, liên kết địa bàn, liên kết cộng đồng), phong trào tuổi trẻ sáng tạo, tham gia chuyển đổi số toàn diện, phong trào tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc…

Tuổi trẻ là lực lượng nòng cốt để xây dựng xã hội mới

Đánh giá về vai trò của thanh niên, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: “Thanh niên là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người phụ trách dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai”. Người cũng khẳng định, thanh niên đóng vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, là “Lực lượng nòng cốt để xây dựng xã hội mới”, “Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”.

Minh Châu, một xã đảo có vẻ đẹp tự nhiên nổi tiếng, hiện là một điểm đến hút khách của huyện Vân Đồn, nhất là mùa du lịch hè. Theo quy hoạch của tỉnh, cùng với Quan Lạn, Minh Châu sẽ được xây dựng trở thành Khu du lịch sinh thái, dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng cao cấp trong tương lai, góp phần quan trọng phát triển du lịch, dịch vụ của tỉnh. Để biến mục tiêu thành hiện thực là cả một hành trình đầy nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân ở nơi đầu sóng này.

Gắn bó với học sinh độ tuổi tiểu học, THCS, cô giáo trẻ Nguyễn Thị Bích Phượng, Trường TH-THCS Minh Châu, luôn có đam mê với tiếng Anh và đau đáu việc dạy cho các trò của mình sử dụng ngoại ngữ này một cách hữu ích nhất. Việc dạy - học ngoại ngữ ở đảo không thực sự thuận lợi do điều kiện vùng xa và bản thân học sinh, nhất là độ tuổi THCS, chưa tập trung thời gian để học vì còn phụ giúp gia đình làm các dịch vụ du lịch. Để tiếng Anh trở nên gần gũi, dễ nhớ, dễ dùng, cô giáo Phượng đã đổi mới các giờ dạy, như phương pháp dạy học sáng tạo, hướng dẫn học sinh làm dự án phỏng vấn bạn bè về các nội dung đời sống, sáng tạo video về lễ hội trên các ứng dụng công nghệ, dần dần truyền lửa cho học sinh niềm yêu thích với tiếng Anh cũng như những kỹ năng tiếp cận công nghệ đúng cách.


Cô giáo Nguyễn Thị Bích Phượng (Trường TH-THCS Minh Châu, huyện Vân Đồn) truyền cảm hứng cho học sinh trong môn tiếng Anh.

Cô giáo Phượng cho biết: Theo tập quán sinh hoạt ở đảo, ngoài giờ học trên trường, nhiều học sinh đã tham gia các hoạt động dịch vụ, du lịch cùng gia đình như quán ăn, cửa hàng… Để giúp các em sử dụng tiếng Anh thực tế, cô giáo Phượng đang bước đầu thử nghiệm tổ chức các hoạt động ngoại khóa để cả cô, trò cùng giao tiếp với du khách nước ngoài. Trong quá trình đó sẽ hướng dẫn học sinh về từ vựng, những mẫu câu giao tiếp đúng ngữ cảnh, đúng đối tượng cũng như giải thích những khác biệt về văn hóa để các em hiểu dần về những hành vi phù hợp khi gặp du khách. Mặc dù hoạt động mới thử nghiệm nhưng đã khiến học sinh rất thích thú với những kiến thức và trải nghiệm thực tế này. Cô giáo Phượng hy vọng thời gian tới sẽ nhân rộng hoạt động này để góp phần đào tạo một thế hệ trẻ không chỉ giỏi ngoại ngữ mà còn hiểu biết văn hóa.

Nguyễn Hoàng Lan, học sinh lớp 12 chuyên Sử, cựu Chủ tịch CLB Hội nghị mô phỏng Liên Hợp Quốc (XANDO Model United Nations - XMUN) trực thuộc Đoàn Trường THPT Chuyên Hạ Long, đặc biệt yêu thích môn Lịch sử, dành nhiều thời gian tìm hiểu sâu về những chi tiết, sự kiện, con người của lịch sử Việt Nam và thế giới. Lan cho biết: "Lịch sử là cội nguồn của mỗi dân tộc, học lịch sử khiến em biết nhiều hơn về chặng đường đã qua của đất nước, hiểu nhiều hơn những đức tính, nét văn hóa đặc biệt của con người Việt Nam qua mỗi thời đại. Để từ đó em có thể hình thành quan điểm, chính kiến của bản thân, hiểu mình cần làm gì để nối tiếp và phát huy những điều đó trên bước đường trưởng thành của bản thân, hội nhập với thế giới".

Lịch sử còn giúp học sinh học tốt các môn học và các hoạt động khác nhờ vào khả năng ghi nhớ nhiều dữ liệu một cách logic, khoa học, ngắn gọn, đặc biệt là hiểu sâu. Nói về quá trình tham gia XMUN, ánh mắt Lan ánh lên niềm tự hào vì đã mang được vốn kiến thức lịch sử của mình cộng với khả năng ngoại ngữ để bồi đắp vốn hiểu biết đa dạng về lịch sử đất nước và thế giới. “Em luôn ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ “Học - học nữa - học mãi”, nên ngoài học trong sách vở, em luôn nỗ lực khai thác, tìm hiểu các nguồn thông tin đa dạng khác trên Internet”. Các kiến thức đó đã khiến cô gái 17 tuổi này tự tin thể hiện bản thân mình không chỉ ở diễn đàn của XMUN, mà còn tại các hội nghị mô phỏng của các trường THPT, đại học trong nước.


Nguyễn Hoàng Lan tại Hội nghị mô phỏng Liên Hợp Quốc do Câu lạc bộ XMUN - Trường THPT Chuyên Hạ Long tổ chức.

Những người trẻ Quảng Ninh không chỉ nỗ lực rèn luyện, tiếp thu tinh hoa tri thức mà còn ý thức về trau dồi đạo đức như lời Bác dạy về con người “có tài có đức”.

Là một trong 50 thành viên của Đội Sinh viên tình nguyện đồng hương Quảng Ninh, Đặng Xuân Thành (sinh viên K62, Đại học Ngoại thương, Hà Nội), cho biết: Với 22 năm thành lập, Đội quy tụ rất nhiều sinh viên người Quảng Ninh đang học tập tại Hà Nội, cùng nhau tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng. Trong đó mỗi năm sẽ có một chương trình mang tên “Sưởi ấm Vùng than” 3 ngày 2 đêm đến những vùng sâu xa, khó khăn của tỉnh, đến từng nhà tặng quà quần áo, sách vở, đồ dùng, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao…

Đặng Xuân Thành (ngoài cùng bên trái) cùng các thành viên Đội Sinh viên tình nguyện đồng hương Quảng Ninh.

“Chuyến đi ấy như một sự tri ân của chúng em đối với quê hương. Dù mới chỉ là những sinh viên đang đi học xa nhà, nhưng chúng em luôn muốn góp phần nhỏ bé của mình cho Quảng Ninh từ lúc này. “Sưởi ấm” có nghĩa là chúng em muốn đem sức bé nhỏ của mình thể hiện sự cổ vũ, truyền động lực cho bà con, đặc biệt là các em nhỏ ở vùng khó, về tinh thần nhiệt huyết vươn lên, nỗ lực không ngừng để chạm tay vào những ước mơ của mỗi người. Em thực sự xúc động khi một em nhỏ đã nói sẽ cố gắng học tốt để trở thành sinh viên như anh. Bên cạnh đó, chứng kiến cuộc sống của bà con cũng là động lực để chính mỗi thành viên chúng em quyết tâm học tập, rèn luyện bản thân, sau này sẽ phát triển bản thân và đóng góp cho xã hội, cho quê hương Vùng than”, Thành chia sẻ.

Đúng như lời dạy của Bác: “Thanh niên sẽ làm chủ nước nhà. Phải học tập mãi, tiến bộ mãi, mới thật là thanh niên”, những người trẻ Quảng Ninh đang từng ngày, từng bước thực hiện lời dạy của Bác một cách giản dị và thiết thực nhất. Truyền thống con người Quảng Ninh hào sảng, “Kỷ luật và đồng tâm” của thế hệ trước vẫn đang dần chuyển hóa trong một thế hệ mới với nhận thức cao về những giá trị bản thân và cộng đồng cho dù xã hội hiện đại có nhiều biến đổi nhanh chóng. Những lời dạy của Bác dành cho thanh niên vì thế vẫn luôn ý nghĩa và đầy giá trị cho ngày nay và mai sau.

Hoàng Loan - Hùng Sơn

Các tin khác
Lượt truy cập:
Trực tuyến:
CHÍNH QUYỀN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG NINH
Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân Tỉnh Quảng Ninh
Hỗ trợ:
Điện thoại: 1900.558.826
Email: chinhquyendientu@quangninh.gov.vn