Chiều 11/6, Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức cuộc họp báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về hoạt động tham gia xét xử của Hội thẩm nhân dân cấp tỉnh, huyện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”. Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng Đoàn giám sát chuyên đề chủ trì cuộc họp.
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về hoạt động tham gia xét xử của Hội thẩm nhân dân cấp tỉnh, huyện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” chủ trì và phát biểu tại cuộc họp.
Qua giám sát chuyên đề hoạt động của Hội thẩm nhân dân 2 cấp trên địa bàn tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh đánh giá Hội thẩm nhân dân đã đảm bảo được số lượng, ngày càng nâng cao chất lượng; bám sát các quy định hiện hành, cơ bản hoàn thành tốt nhiệm vụ, tham gia xét xử 100% vụ án sơ thẩm; tích cực, chủ động trong công tác chuyên môn nhằm thực hiện tốt nguyên tắc “thẩm phán, hội thẩm nhân dân tham gia xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”…
Tuy nhiên, hoạt động của Hội thẩm nhân dân vẫn còn những khó khăn, bất cập như: Hệ thống quy phạm pháp luật về Hội thẩm nhân dân còn chưa đồng bộ, chưa rõ ràng hoặc chưa thống nhất trong quy định về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, hoạt động, trách nhiệm pháp lý… của Hội thẩm nhân dân khi tham gia xét xử vụ án; số lượng Hội thẩm nhân dân đương chức tham gia xét xử còn hạn chế, số lượng có chuyên ngành Luật chưa nhiều; điều kiện làm việc chưa đảm bảo; chế độ chính sách còn thấp, chưa tương xứng với vai trò, trách nhiệm của Hội thẩm nhân dân; công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho Hội thẩm nhân dân chưa được quan tâm đúng mức...; cùng một số hạn chế trong công tác quản lý và giám sát hoạt động của Hội thẩm nhân dân…
Các đại biểu dự họp phát biểu ý kiến, đóng góp vào báo cáo kết quả giám sát chuyên đề.
Qua kết quả giám sát và các ý kiến tham gia tại cuộc họp, Đoàn ĐBQH tỉnh thống nhất kiến nghị với Tòa án nhân dân tối cao một số nội dung đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn đối với hoạt động của Hội thẩm nhân dân, trong đó tập trung vào các quy định về tiêu chuẩn, trách nhiệm, độ tuổi, chế độ, chính sách; về tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho Hội thẩm nhân dân. Đồng thời đề nghị HĐND tỉnh, HĐND các địa phương quan tâm chỉ đạo, tăng cường hoạt động giám sát; kịp thời đánh giá kết quả, chỉ ra hạn chế, bất cập, phân tích nguyên nhân, đề xuất giải pháp giải quyết khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của Hội thẩm nhân dân…; có trách nhiệm phối hợp quản lý, giám sát hoạt động và nghiên cứu chính sách hỗ trợ cho hoạt động của Hội thẩm nhân dân. Thống nhất đề nghị Ủy ban MTTQ tỉnh phát huy chức năng, nhiệm vụ công tác giám sát, phối hợp với Tòa án nhân dân tỉnh rà soát, quản lý, đảm bảo chất lượng nhân sự và chất lượng hoạt động của Đoàn Hội thẩm nhân dân tỉnh và Đoàn Hội thẩm nhân dân các địa phương…
Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh, Đoàn Hội thẩm nhân dân tỉnh và Đoàn Hội thẩm nhân dân các huyện, thị xã, thành phố cần tiếp tục quan tâm đúng mức tới việc nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng của đội ngũ Hội thẩm nhân dân các cấp, góp phần nâng cao chất lượng tham gia xét xử…