DỊCH VỤ CÔNG


TÌNH HÌNH
XỬ LÝ


HỎI ĐÁP

TIN TỨC
Học Bác để xây dựng văn hóa, con người Quảng Ninh

“Văn hoá soi đường cho quốc dân đi” là quan điểm cơ bản, xuyên suốt và nhất quán trong tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa. Tiếp nối tư tưởng, quan điểm của Người, Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã nỗ lực bồi đắp nội lực, xây dựng và phát triển văn hoá - xã hội Quảng Ninh, từng bước tạo chuyển biến mạnh mẽ về văn hóa, giáo dục, thể dục thể thao ở địa phương.

Lễ khai hội Yên Tử 2024. Ảnh: CTV

Quảng Ninh có kho tài nguyên văn hóa khổng lồ, với 541 di sản văn hóa vật thể gồm 64 lễ hội truyền thống mang đặc trưng văn hóa vùng, miền cùng hàng loạt các di sản. Ngoài ra, văn hoá Quảng Ninh còn có nét đặc sắc riêng với nền “Văn hoá công nhân mỏ” được hình thành và phát triển gắn liền với quá trình lao động, đấu tranh cách mạng.

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11/1946, Bác Hồ chỉ rõ: “Văn hóa phải hướng dẫn quốc dân thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ”, “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Nhận thức đúng đắn tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, ở mỗi kỳ đại hội đảng, nhất là từ khi đất nước thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng bộ tỉnh nghiên cứu, vận dụng nhuần nhuyễn hệ thống quan điểm của Người về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam trong xây dựng và phát triển văn hoá - xã hội gắn liền với quá trình hoạch định đường lối, phát triển của địa phương.

Thực hiện chủ trương đổi mới của Đảng từ năm 1986, Tỉnh ủy đã chỉ đạo đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động văn hóa, thông tin; bảo vệ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh. Kể từ khi ra đời Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (ngày 12/5/1998) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp cụ thể hóa 5 quan điểm chỉ đạo, 10 nhiệm vụ cụ thể và 4 nhóm giải pháp lớn của Nghị quyết sát với tình hình thực tiễn của ngành, địa phương, trong đó đặc biệt chú trọng tới nhiệm vụ phát huy bản sắc văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Đặc biệt, giai đoạn 2016 đến nay, Đảng bộ tỉnh có nhiều chủ trương, chính sách thể hiện sự nhất quán về tư duy và hành động khẳng định văn hóa là nguồn tài nguyên tiềm tàng, quý hóa nhất; con người được xác định là nguồn lực quan trọng nhất, là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển bền vững, mọi sự phát triển đích cuối đều vì hạnh phúc của nhân dân. Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh xác định “Xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền” là một trong ba khâu đột phá của giai đoạn 2020-2030; xác định phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh là nền tảng tinh thần vững chắc, là nguồn lực nội sinh, động lực quan trọng cho sự phát triển nhanh, bền vững của địa phương. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết 11-NQ/TU (ngày 9/3/2018) “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”; Nghị quyết số 17-NQ/TU (ngày 30/10/2023) “Về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững”.

Cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể các cấp và nhân dân luôn kế thừa, phát triển và phát huy những giá trị truyền thống lịch sử, văn hoá tốt đẹp của dân tộc, không ngừng sáng tạo những giá trị văn hoá mới thấm đẫm tinh thần yêu nước và lý tưởng xã hội chủ nghĩa đưa tỉnh Quảng Ninh ngày càng phát triển...

Mô hình trải nghiệm du lịch văn hóa cộng đồng tại xã Đồng Văn (huyện Bình Liêu).

Những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền tỉnh trong việc chăm lo, xây dựng và phát triển văn hóa, con người trong quá trình đổi mới của đất nước đã được đền đáp xứng đáng. Quảng Ninh từng bước xây dựng và hình thành những chuẩn mực văn hóa, nhân cách con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu đặt ra trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế trên vùng đất địa đầu Đông Bắc. Đến nay, tỉnh có 4 di tích: Vịnh Hạ Long, Yên Tử, Bạch Đằng và Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Lễ hội văn hóa, du lịch trên địa bàn tỉnh mang những nét độc đáo, đa dạng của các vùng miền, có sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, ghi đậm dấu ấn đời sống văn hoá tinh thần của người dân vùng Đông Bắc. Nhiều lễ hội được du khách trong nước và quốc tế tham gia đông đảo.

Hoạt động giao lưu văn hóa trong nước và quốc tế được chú trọng, góp phần nâng cao dân trí, đời sống tinh thần và mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Cuộc vận động "Toàn dân xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư" và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, xây dựng nếp sống văn minh đô thị” được triển khai rộng khắp. Phong trào văn hóa quần chúng tiếp tục phát triển sâu rộng, phản ánh sinh động thực tiễn đời sống, góp phần bồi đắp thêm giá trị văn hóa truyền thống công nhân Vùng mỏ anh hùng.

Các tác phẩm, ấn phẩm văn hoá, văn học, nghệ thuật ngày càng phong phú, đa dạng, tăng về số lượng và chất lượng, từng bước đáp ứng thị hiếu của nhân dân. Hệ thống câu lạc bộ văn hoá, thể thao được hình thành đến tận các cơ sở và đã duy trì, hoạt động một cách thống nhất, có chất lượng và hiệu quả.

Thi đấu cầu lông tại Giải thể thao hành chính sự nghiệp tỉnh Quảng Ninh năm 2024. Ảnh: Thanh Hằng

Văn hóa phát triển đã góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Từ một địa phương phải dựa vào sự hỗ trợ của Trung ương trong những năm đầu đổi mới, đến nay, trở thành một trong những tỉnh phát triển đi đầu của cả nước. Quảng Ninh định hình tiêu chí “Nhân dân hạnh phúc” là một giá trị của tỉnh, mọi sự phấn đấu của tỉnh đều vì đích cuối là hạnh phúc của nhân dân, với mục tiêu phấn đấu nhân dân tỉnh Quảng Ninh thực sự được thụ hưởng những thành quả của đổi mới, có thu nhập bình quân đầu người ở mức cao hơn hẳn so với mức trung bình của cả nước (GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 9.469 USD, gấp 1,4 lần so với năm 2020). Tỉnh thực hiện tốt các chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Quảng Ninh, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo.

Tại tọa đàm khoa học thực tiễn, kinh nghiệm nghiên cứu, vận dụng, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác cán bộ và phát triển văn hóa con người Việt Nam thời kỳ đổi mới do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Tỉnh ủy Quảng Ninh phối hợp tổ chức tại Quảng Ninh tháng 5 vừa qua, PGS.TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cho biết: Qua từng giai đoạn phát triển có thể thấy rõ, tư tưởng của Hồ Chí Minh về phát triển văn hóa con người Việt Nam thời kỳ đổi mới đã được tỉnh Quảng Ninh nghiên cứu, vận dụng nhuần nhuyễn tại địa phương. Tỉnh đã cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước sát với tình hình thực tế, vừa đảm bảo tính kế thừa các giá trị truyền thống tốt đẹp, vừa tiếp thu những tinh hoa văn hóa tiên tiến của các vùng miền trong và ngoài nước. Tỉnh cũng nhận diện kịp thời các thế mạnh tiềm năng, lợi thế về văn hóa để bố trí nguồn lực đầu tư phát triển; huy động sức mạnh tổng hợp của toàn quân, toàn dân và cả hệ thống chính trị trong xây dựng môi trường văn hóa, đạo đức, lối sống; huy động mọi nguồn lực xã hội cho xây dựng thiết chế văn hóa, phát triển giáo dục con người... Đây là những bài học kinh nghiệm có giá trị tham khảo đối với nhiều địa phương trên cả nước trong quá trình đổi mới.

Thu Chung

Các tin khác
Lượt truy cập:
Trực tuyến:
CHÍNH QUYỀN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG NINH
Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân Tỉnh Quảng Ninh
Hỗ trợ:
Điện thoại: 1900.558.826
Email: chinhquyendientu@quangninh.gov.vn