DỊCH VỤ CÔNG


TÌNH HÌNH
XỬ LÝ


HỎI ĐÁP

TIN TỨC
Khai thác "không gian soóng cọ" ở Húc Động

Húc Động là một trong 6 xã của huyện miền núi, biên giới Bình Liêu, có trên 82% dân số là đồng bào Sán Chỉ. Những năm gần đây, từ việc tổ chức Hội hát Tháng ba hay còn gọi là Hội hát Soóng cọ của người Sán Chỉ theo hướng bài bản và khôi phục nhiều giá trị nguyên gốc, cơ hội phát triển du lịch của Húc Động ngày càng rộng mở.

Hội hát Soóng cọ hay còn gọi là Hội hát Tháng ba được tổ chức vào ngày 16/3 (âm lịch) hằng năm. Hội hát được tổ chức từ lâu đời, bắt nguồn từ việc hôn nhân sắp đặt, nhiều cặp vợ chồng đến với nhau nhưng không có tình yêu nên người Sán Chỉ đã tổ chức ngày hội này để trai gái có thể mang lời ca, tiếng hát trao gửi cảm xúc.

Lối hát Soóng cọ không nhạc đệm, lấy sự luyến láy, lên xuống uyển chuyển của giọng hát để bày tỏ tình cảm. Khi hát, nam nữ thường đứng thành hai bên để đối đáp. Từ việc bày tỏ nỗi lòng, tình cảm riêng tư, chủ đề của hát Soóng cọ ngày càng được mở rộng, thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, động viên tinh thần lao động sản xuất của người dân trong bản làng.

Xã Húc Động (huyện Bình Liêu) hình thành không gian văn hóa đặc sắc, có nhiều tiềm năng cho phát triển du lịch.

Từ năm 2005 đến nay, huyện Bình Liêu đã phục dựng và duy trì tổ chức thường niên Hội hát Soóng cọ theo hướng ngày càng bài bản, quy mô. Tâm điểm của hội hát là phần biểu diễn, đối đáp, giao lưu giữa các CLB Soóng cọ trong và ngoài huyện. Ngoài ra, còn có nghi lễ cầu may, giao hữu bóng đá nữ Sán Chỉ, các trò chơi dân gian…

Ông Nguyễn Anh Tuấn, du khách TP Hà Nội, cho biết: Năm nào đến Hội hát Soóng cọ của người Sán Chỉ, tôi cũng về Bình Liêu. Không gian văn hóa đặc trưng của Húc Động rất hấp dẫn những du khách như tôi. Không chỉ là nghe người dân hát giao duyên mà tôi còn được xem những cô gái Sán Chỉ mặc váy đá bóng… Thực sự rất hấp dẫn!

Gần 20 năm Hội hát Soóng cọ đã được duy trì tổ chức và trở thành hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật của người Sán Chỉ trong khu vực, tạo thành nếp sinh hoạt, nét đẹp trong tập quán của người dân. Hội hát cũng được xây dựng theo hướng gắn các giá trị văn hóa truyền thống với phát triển du lịch, phát triển du lịch dựa vào trụ cột văn hóa.

Cùng với việc duy trì tổ chức Hội hát Soóng cọ theo hướng ngày càng bài bản, quy mô, xã Húc Động đang đẩy nhanh tiến độ Dự án Khu du lịch sinh thái danh thắng thác Khe Vằn, xây dựng làng văn hóa của người Sán Chỉ tại thôn Lục Ngù, đưa sản phẩm bóng đá nữ Sán Chỉ vào phục vụ du khách… Từ đó hình thành không gian văn hóa Soóng cọ đặc trưng, hấp dẫn du khách khám phá, trải nghiệm và nghỉ dưỡng.

Hội soóng cọ năm nay diễn ra từ ngày 14/4 - 30/4 với nhiều hoạt động hấp dẫn.

Đến hẹn lại lên, năm nay từ ngày 18/4 đến 30/4, huyện Bình Liêu tổ chức Hội hát Soóng cọ 2024 với nhiều hoạt động đặc sắc, như: Giải thi đấu bóng đá nữ Sán Chỉ huyện Bình Liêu, giao lưu các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian, Lễ công bố Quyết định công nhận xã Húc Động đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2022, khai mạc Hội hát Soóng cọ năm 2024, không gian văn hóa ẩm thực của người Sán Chỉ, đêm lửa trại giao lưu hát Soóng cọ và trưng bày, giới thiệu quy trình chế biến miến dong...

Ông Ninh Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND xã Húc Động, cho biết: Lễ hội năm nay được tổ chức ngay sau khi Nghệ thuật trình diễn Soóng cọ được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Vì vậy, không khí chuẩn bị năm nay cũng háo hức, phấn khởi hơn. CLB văn nghệ xã Húc Động và CLB hát Soóng cọ trong nhà trường đã luyện tập từ rất sớm. Các công tác chuẩn bị cho lễ hội cũng đã được lên kế hoạch, đảm bảo lễ hội diễn ra vui tươi, phấn khởi, đậm đà bản sắc dân tộc lại hấp dẫn, gần gũi với du khách.

Đào Linh

Các tin khác
Lượt truy cập:
Trực tuyến:
CHÍNH QUYỀN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG NINH
Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân Tỉnh Quảng Ninh
Hỗ trợ:
Điện thoại: 1900.558.826
Email: chinhquyendientu@quangninh.gov.vn