DỊCH VỤ CÔNG


TÌNH HÌNH
XỬ LÝ


HỎI ĐÁP

TIN TỨC
Ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển OCOP

Việc ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào sản xuất, kinh doanh có vai trò quan trọng, cấp thiết trong chuyển dịch, phát triển bền vững các sản phẩm OCOP địa phương. Những năm qua, tỉnh tăng cường ứng dụng KHCN vào sản xuất, phát triển sản phẩm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo theo hướng đảm bảo đầu ra các sản phẩm, nâng cao chất lượng và gia tăng giá trị, từ đó góp phần tạo thành công cho sản phẩm OCOP Quảng Ninh.


Mô hình trồng chè sử dụng thiết bị tưới tự động của người dân thôn Hải Đông, xã Quảng Thành (huyện Hải Hà).

Khai thác lợi thế KHCN

Hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra những đột phá về công nghệ, tích hợp và kết nối internet. Đây vừa là thách thức và cũng là cơ hội lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm OCOP của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. Để nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo cho sự phát triển nhanh và bền vững, việc ứng dụng KHCN trong sản xuất hết sức cần thiết.

Xuất phát từ những yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, hiện có rất nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh áp dụng KHCN trong các khâu sản xuất, chế biến, bảo quản, đóng gói và tiêu thụ. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng, đa dạng hóa mẫu mã, tạo được lòng tin của người tiêu dùng. Ông Phạm Hoài Nam, Phó Giám đốc Công ty Nước khoáng Công đoàn Quang Hanh, cho biết: Công ty liên tục đổi mới dây chuyền, máy móc thiết bị để nâng cao chất lượng, giá trị cho sản phẩm. Các dây chuyền sản xuất được đầu tư khép kín với công nghệ cao, giúp đảm bảo các điều kiện sản xuất về an toàn sản phẩm. Nhờ ứng dụng KHCN, sản phẩm của Công ty được cấp sản phẩm OCOP 4 sao. Sản phẩm nước khoáng thiên nhiên công đoàn Quang Hanh đang được Văn phòng điều phối NTM tỉnh đánh giá là sản phẩm tiềm năng và được hỗ trợ, phối hợp làm hồ sơ gửi đăng ký xét duyệt sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia. Công ty sẽ tiếp tục đầu tư thêm máy móc, ứng dụng KHCN hiện đại hơn vào khâu sản xuất, làm thị trường, nâng cao sản lượng tiêu thụ, để có thể hướng tới xuất khẩu.


Công ty CP Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh (huyện Ba Chẽ) được hỗ trợ kinh phí đầu tư máy sấy thăng hoa trong sản xuất giúp nâng cao chất lượng sản phẩm.

Công ty TNHH Nuôi trồng sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc (TP Cẩm Phả), với việc tăng cường ứng dụng KHCN vào sản xuất, nên sản phẩm của Công ty ngày càng nâng chất lượng và cải tiến mẫu mã. Theo đại diện Công ty, từ năm 2020 đến nay, được sự hỗ trợ của Sở KH&CN và sự chủ động trong sản xuất, Công ty đầu tư hàng chục tỷ đồng để cải tạo, xây mới hệ thống dây chuyền sản xuất chuẩn GMP, phòng R&D, phòng Lab - kiểm nghiệm, nhà sấy quy mô lớn… Các sản phẩm tiêu biểu của công ty, như trà giảo cổ lam, trà bổ gan, trà giải độc gan, trà diệp hạ châu, viên tiểu đường, viên chè vằng... trở thành sản phẩm OCOP tiêu biểu được xếp hạng 4 sao của tỉnh. Một số sản phẩm của Công ty cũng được xếp vào sản phẩm tiềm năng OCOP 5 sao quốc gia.

Hiện nay các doanh nghiệp, đơn vị, cơ sở sản xuất OCOP nhận thức đúng đắn các lợi ích của KHCN và chủ động nghiên cứu, ứng dụng KHCN vào sản xuất, nâng tầm giá trị sản phẩm. Điển hình, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ và Xuất nhập khẩu Quy Hoa (huyện Hải Hà); HTX Nông - lâm - ngư nghiệp Thái An (TP Móng Cái); Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Quảng Ninh (Bavabi); Công ty TNHH MTV Newstar (Vân Đồn); Trang trại gà Tân An (TX Quảng Yên)...

Đặc biệt, với cuộc cách mạng 4.0, thì thương mại điện tử (TMĐT) cũng là xu hướng của sự phát triển. Nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã chủ động tham gia các lớp tập huấn, tiếp cận, học hỏi các kỹ năng hút khách hàng, chiến lược xây dựng, phát triển video ngắn; kỹ năng livestream bán hàng… để đưa sản phẩm lên trên mạng xã hội và các sàn TMĐT, mở ra thị trường mới, nguồn khách, cơ hội hợp tác mới.


Người dân tại bản Quảng Mới, xã Quảng Sơn (huyện Hải Hà) chụp hình sản phẩm để đăng trên trang mạng.

Quảng Ninh hiện có 161 website đã đăng ký, thông báo bán hàng với Bộ Công Thương. Theo thống kê của Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh, toàn tỉnh có 417 sản phẩm OCOP của 13 địa phương đạt từ 3-5 sao. Nhiều sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3-5 sao được đưa lên các sàn TMĐT, như: Voso 160 sản phẩm; Postmart 108 sản phẩm… Qua đó, góp phần đẩy mạnh việc tiêu thụ, thúc đẩy quảng bá mạnh mẽ các sản phẩm OCOP, làm lợi rất nhiều cho doanh nghiệp sản xuất.

Nền tảng thúc đẩy phát triển

Trong xu thế phát triển KT-XH hiện nay, KHCN đang đóng vai trò quan trọng. Theo lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ, trên cơ sở các nội dung nhiệm vụ đã được xác định, Sở tập trung chỉ đạo đối với các phòng, đơn vị trực thuộc tăng cường ứng dụng KHCN đối với các sản phẩm OCOP. Trong đó, tập trung hướng dẫn các đơn vị, tổ chức, cá nhân về ghi nhãn hàng hóa, đăng ký mã số, mã vạch, thực hiện các quy định để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hướng dẫn xác lập và thực thi quyền sở hữu trí tuệ; phối hợp với Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh rà soát, đánh giá các sản phẩm được cấp sao; tổ chức chương trình cà phê công nghệ với chủ đề "Ứng dụng công nghệ nâng tầm giá trị sản phẩm OCOP Quảng Ninh", trong đó có các nội dung liên quan đến công nghệ chế biến, đóng gói, bảo quản các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp, thủy sản; vai trò của TMĐT đối với sự phát triển sản phẩm OCOP… Đến nay 100% sản phẩm tham gia chương trình OCOP của tỉnh được triển khai dán tem điện tử thông minh nhằm quản lý, truy xuất nguồn gốc, giúp giám sát chất lượng sản phẩm, giúp người tiêu dùng thuận tiện hơn trong tra cứu, nhận biết thông tin, chất lượng hàng hóa.


Dây chuyền sản xuất hiện đại tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thuỷ sản Quảng Ninh (BAVABI).

KHCN đã mang lại rất nhiều lợi ích trong phát triển sản xuất, định hướng được sản phẩm và xây dựng thương hiệu riêng. Nhờ ứng dụng KHCN, tỉnh xây dựng được 5 nhãn hiệu nông sản tập thể, 13 nhãn hiệu chứng nhận, 3 chỉ dẫn địa lý; thực hiện ban hành 63 quy chế quản lý cho 21/21 dự án xây dựng thương hiệu và 50 quy trình kỹ thuật, 21 bộ tiêu chuẩn chất lượng đặc thù cho 21 sản phẩm đặc sản được bảo hộ; xây dựng và quy hoạch 17 vùng nguyên liệu sản xuất hàng hóa tập trung để tập hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KHCN phục vụ phát triển KT-XH.

Mực dù có nhiều khởi sắc, tuy nhiên việc áp dụng rộng rãi KHCN vẫn còn những hạn chế, như: Đã triển khai nhiều chương trình nghiên cứu, khởi nghiệp, nhưng vẫn chưa đáp ứng tốc độ phát triển KHCN; thực trạng phát triển của nhiều doanh nghiệp còn non trẻ, quy mô chưa xứng tầm; còn có doanh nghiệp chưa chủ động tiếp cận vay vốn, đầu tư trang thiết bị, công nghệ mới trong hoạt động sản xuất…


Công nhân trang trại gà Tân An (TX Quảng Yên) sử dụng máy cho gà ăn tự động để kiểm soát lượng thức ăn và tiết kiệm nhân công. Ảnh: Nguyên Ngọc

Theo định hướng đến năm 2025, cùng với phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với vệ sinh an toàn thực phẩm và ổn định về sản lượng, Quảng Ninh tiếp tục phát triển 12 sản phẩm OCOP chủ lực cấp tỉnh, 6 sản phẩm OCOP định hướng cấp quốc gia, gắn với triển khai Quyết định số 4078/QĐ-BNN-VPĐP (ngày 28/10/2019) của Bộ NN&PTNT "Phê duyệt kế hoạch khung chỉ đạo điểm triển khai Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm". Để hoàn thành được mục tiêu này, việc áp dụng, đưa KHCN vào sản xuất tại các doanh nghiệp, cơ sở, HTX, hộ kinh doanh rất cần thiết và phải triển khai nhanh chóng, đồng bộ.

Bên cạnh sự chủ động của các chủ thể sản xuất, tỉnh tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm khuyến khích doanh nghiệp, HTX, người dân đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ của KHCN vào sản xuất sản phẩm OCOP. Trong đó, quan tâm những cơ chế, chính sách hỗ trợ về xây dựng thương hiệu; xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; kết nối người dân, nhà quản lý, nhà khoa học và hỗ trợ vốn vay xây dựng nhà xưởng, đầu tư công nghệ...

Minh Đức

Các tin khác
Lượt truy cập:
Trực tuyến:
CHÍNH QUYỀN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG NINH
Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân Tỉnh Quảng Ninh
Hỗ trợ:
Điện thoại: 1900.558.826
Email: chinhquyendientu@quangninh.gov.vn