DỊCH VỤ CÔNG


TÌNH HÌNH
XỬ LÝ


HỎI ĐÁP

TIN TỨC
Thúc đẩy xuất khẩu nông, thủy sản sang thị trường Trung Quốc

Vị trí địa lý tiếp giáp Trung Quốc, có nhiều cửa khẩu thông thương, giao lưu hàng hóa… là điều kiện thuận lợi để Quảng Ninh thực hiện xuất khẩu các mặt hàng sang thị trường Trung Quốc, trong đó có các mặt hàng nông, thủy sản. Tuy nhiên, việc xuất khẩu các mặt hàng này thời gian qua đang gặp không ít trở ngại, bởi những chính sách, tiêu chuẩn mới mà phía bạn đưa ra. Để từng bước tháo gỡ khó khăn, hiện tỉnh và các ngành liên quan đang tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp.


Chế biến hàu tại Công ty TNHH sản xuất và Thương Mại Thủy sản Quảng Ninh.

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh đang có 14 vùng trồng cây ăn quả (3 vùng trồng nhãn, 7 vùng trồng thanh long, 4 vùng trồng vải); có 3 cơ sở đóng gói hoa quả tươi; 9 công ty xuất khẩu thủy sản đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Các sản phẩm có lợi thế của Quảng Ninh được cập nhật thuộc danh mục 48 loài (chi) thủy sản được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc.

Trước những tác động của dịch Covid-19, từ đầu năm 2021 đến nay, quy trình phòng, chống dịch phía Trung Quốc đưa ra trong hoạt động XNK tiếp tục được siết chặt bởi những chính sách, tiêu chuẩn mới. Điều đó đã khiến cho việc xuất khẩu sang thị trường này của Quảng Ninh gặp không ít khó khăn.

Cụ thể, lực lượng chức năng quản lý cửa khẩu, cặp chợ biên mậu phía Trung Quốc tổ chức thực hiện lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với hàng hóa và phương tiện khi sang giao hàng bên Trung Quốc, khi có dấu hiệu nghi nhiễm phía bạn dừng thông quan toàn bộ cửa khẩu, lối mở để thực hiện phun khử trùng dẫn đến toàn bộ cửa khẩu dừng hoạt động, tất cả các hàng hóa khác dừng thông quan. Trung Quốc và Việt Nam chưa có thỏa thuận công nhận kết quả kiểm nghiệm lô hàng của nhau nên các lô hàng rau, củ, quả và thủy sản của Việt Nam nói chung và Quảng Ninh nói riêng vẫn phải thực hiện lấy mẫu hậu kiểm 100%.

Cùng với đó phía Trung Quốc chưa cho phép nhập khẩu hàng hóa là thủy hải sản đông lạnh của Việt Nam qua cửa khẩu Hoành Mô (Việt Nam) và Động Trung (Trung Quốc) đã làm giảm việc xuất khẩu mặt hàng thủy sản vào thị trường này. Đồng thời, hiện nay việc giao nhận hàng hóa tại cửa khẩu của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng do phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, phát sinh thêm chi phí, khó khăn trong việc kết nối giữa các doanh nghiệp hai nước vì không thể tiếp xúc, ký hợp đồng, đặc biệt là xuất khẩu nông, thủy sản.

Không những vậy, hiện nay, việc thanh toán giữa cư dân biên giới Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam với cư dân biên giới Trung Quốc qua Lối mở Km3+4 Hải Yên (TP Móng Cái) đang gặp phải nhiều vướng mắc, không có cơ chế thanh toán qua ngân hàng, chủ yếu là thanh toán qua tài khoản trung gian của người Việt Nam mở tại Ngân hàng Nông nghiệp Đông Hưng (Trung Quốc), giao dịch không có hồ sơ XNK, phát sinh nguy cơ chuyển tiền trái phép qua biên giới. Việc thanh toán trên tiềm ẩn rủi ro rất lớn khi cơ quan chức năng Trung Quốc kiểm soát hệ thống tài khoản Ngân hàng. Khi lượng tiền giao dịch lớn, phía Trung Quốc phong tỏa, yêu cầu chứng minh nguồn gốc, hồ sơ thanh toán, nếu không xuất trình được sẽ tịch thu. Thực tế trong một số năm gần đây, phía Trung Quốc thường xuyên phong tỏa 750-1.000 tài khoản/năm với số tiền tịch thu từ 200-300 tỷ đồng/lần.


Lực lượng chức năng tại Cửa khẩu Hoành Mô (Bình Liêu) kiểm soát hàng hóa trước khi thông quan.

Tính riêng trong 10 tháng năm 2021, có 1.166 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia làm thủ tục hải quan qua địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Trong đó, mặt hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc từ các địa phương khác qua địa bàn ước đạt 713.800 tấn, tăng 102% so với cùng kỳ năm 2020; xuất khẩu thủy sản ước đạt 256.400 tấn, tăng 250% so với cùng kỳ. Mặt hàng xuất khẩu nông sản của Quảng Ninh ước đạt trên 1.500 tấn, tăng 100% so với cùng kỳ năm 2020; xuất khẩu thủy sản ước đạt gần 3.200 tấn, tăng 355,3% so với cùng kỳ.

Được biết, từ đầu năm 2022, Trung Quốc sẽ ban hành nhiều quy định mới về nhập khẩu các mặt hàng nông, thủy sản. Điều này sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ tới việc xuất hàng hóa của doanh nghiệp vào thị trường Trung Quốc.

Để khắc phục những tồn tại và hướng tới thực hiện được đầy đủ các quy định mới từ phía Trung Quốc, tại buổi tọa đàm thúc đẩy xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc đầu tháng 11 vừa qua, đồng chí Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã đề xuất với Bộ Ngoại giao tiếp tục quan tâm, có thư trao đổi với Trung Quốc để sớm công bố cửa khẩu Hoành Mô (Việt Nam) - Động Trung (Trung Quốc) là cửa khẩu song phương; lối mở Pò Hèn (Việt Nam) - Thán Sản (Trung Quốc) là lối mở biên giới. Đồng thời, ủng hộ chủ trương cho tỉnh Quảng Ninh xây dựng cầu sắt tại lối mở Km3+4 nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho việc thông quan hàng hóa trong mùa mưa lũ.

Tỉnh cũng đề nghị Bộ NN&PTNT sớm quan tâm tới việc triển khai dự án Trung tâm logistics giao dịch nông, lâm, thủy sản Châu Á Thái Bình Dương tại Km3+4 sông Ka Long, TP Móng Cái, để mở rộng thị trường tiêu thụ cho nông sản, hoa quả Việt Nam, giảm thiểu rủi ro trong hoạt động xuất khẩu nông sản, hoa quả sang thị trường Trung Quốc; đề nghị các tỉnh, thành phố trong cả nước tăng cường công tác kiểm soát, phòng dịch chặt chẽ với lái xe vận chuyển hàng hóa khi tới các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh để từng bước góp phần đẩy mạnh xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Quốc, qua đó góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới.

Minh Đức

Các tin khác
Lượt truy cập:
Trực tuyến:
CHÍNH QUYỀN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG NINH
Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân Tỉnh Quảng Ninh
Hỗ trợ:
Điện thoại: 1900.558.826
Email: chinhquyendientu@quangninh.gov.vn