DỊCH VỤ CÔNG


TÌNH HÌNH
XỬ LÝ


HỎI ĐÁP

TIN TỨC
Dự án cầu Bến Rừng chuẩn bị về đích

Sau tròn hai năm thi công, tháng 5 tới đây, cầu Bến Rừng nối Quảng Ninh – Hải Phòng qua sông Đá Bạch sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác. Đây cũng là thời điểm Phà Bến Rừng kết thúc sứ mệnh sau nửa thế kỷ hoạt động. Đồng thời mở ra cơ hội mới cho sự tăng tốc phát triển của 2 địa phương liền kề.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng nghe nhà thầu báo cáo tiến độ thi công cầu Bến Rừng.

Tỉnh Quảng Ninh, TP Hải Phòng và Thủ đô Hà Nội được Trung ương xác định là hạt nhân của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Trong đó Quảng Ninh - Hải Phòng là 2 địa phương giáp ranh, có nhiều điểm tương đồng, sở hữu nhiều lợi thế khác biệt và nổi trội. Từ năm 2018, khi cầu Bạch Đằng hoàn thành, các khu vực trung tâm của 2 địa phương đã có sự kết nối thuận lợi, điều đó hình thành lên các chương trình, hợp tác toàn diện, kéo theo sự tăng trưởng rõ ràng khi luân phiên dẫn đầu các tỉnh phía Bắc về tăng trưởng GRDP.

Tuy nhiên dư địa phát triển của 2 địa phương vẫn còn nhiều khi phía Tây của Quảng Ninh đang được xác định là trung tâm chuyển dịch kinh tế của các ngành công nghiệp công nghệ cao, nơi có TP Uông Bí và sắp tới đây là TP Đông Triều được định vị là cực tăng trưởng mới của tỉnh. Bên kia bờ sông Đá Bạch lại là huyện Thủy Nguyên đang trọng lộ trình trở thành thành phố vào năm 2025, là trung tâm hành chính, chính trị mới của Hải Phòng.

Nhằm đón đầu cơ hội phát triển mới, xác định rõ nhiệm vụ liên kết hợp tác, liên kết vùng là xu thế tất yếu trong quá trình phát triển, cụ thể hóa các chương trình hợp tác giữa BTV Tỉnh uỷ Quảng Ninh và BTV Thành uỷ Hải Phòng về “Thống nhất hợp tác đẩy nhanh tốc độ phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng”, tháng 5/2022 hai địa phương đã cùng triển khai thi công cầu Bền Rừng. Dự án có tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng, từ ngân sách Trung ương, ngân sách TP Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh.

Dự án đang được tập trung thi công hoàn thiện.

Để tạo điều kiện cho dự án triển khai thuận lợi, trong quá trình thi công công trình, lãnh đạo hai địa phương thường xuyên có các cuộc kiểm tra chung. Trực tiếp xuống công trường để chỉ đạo, động viên, đôn đốc các nhà thầu “vượt nắng, thắng mưa”, tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn để đảm bảo tiến độ. Quảng Ninh cũng đã thực hiện đầu tư, xây dựng đường nối cầu Bến Rừng với tỉnh lộ 338, đoạn qua xã Sông Khoai (TX Quảng Yên).

Đến nay, cầu Bến Rừng đã hoàn thành được trên 90% tổng khối lượng các hạng mục bao gồm phần cầu chính 4 nhịp Extradosed với sơ đồ (90+2×160+90)m cùng hệ thống cầu dẫn với tổng chiều dài gần 1.9km. Hiện các nhà thầu đã cơ bản thi công xong toàn bộ kết cấu chính và đang tập trung thảm nhựa mặt cầu đạt khoảng 60%. Đồng thời, tập trung cho công tác hoàn thiện, lắp đặt thiết bị đảm bảo ATGT, điệu chiếu sáng, hệ thống lan can và dải phân cách giữa... Dự kiến, vào đầu tháng 5/2024, công trình sẽ đảm bảo các điều kiện để sẵn sàng đưa vào khai thác. Tại phía bờ Quảng Ninh, đường dẫn dài 2,2km cũng đang bước vào giai đoạn thi công “nước rút” sẽ hoàn thành đồng bộ cùng cầu Bến Rừng.

Quảng Ninh đang tích cực đẩy nhanh tiến độ thi công đường nối với cầu Bến Rừng.

Như vậy chỉ chưa đầy một tháng nữa, cầu Bến Rừng, hành lang giao thông đường bộ thứ 3 kết nối Quảng Ninh – Hải Phòng sẽ hoàn thành. Công trình sẽ góp phần nâng cao năng lực phục vụ về giao thông, đáp ứng nhu cầu giao thông vận tải giữa các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nhân dân 2 địa phương; phát huy dư địa đất đai giữa 2 khu vực, mở rộng không gian phát triển mới, kiến tạo cảnh quan - kiến trúc công trình mang dấu ấn bản sắc địa phương để phục vụ cho phát triển du lịch.

Theo kế hoạch, cũng trong năm 2024 này, cầu Lại Xuân kết nối Đông Triều (Quảng Ninh) với Thủy Nguyên (Hải Phòng) cũng sẽ đưa vào khai thác. Như vậy hai địa phương là Quảng Ninh và Hải Phòng sẽ hình thành 4 hành lang giao thông đường bộ, kết nối đồng bộ hầu khắp các khu vực liền kề. Cùng với hệ thống đường thủy nội địa, đường biển sẽ tạo thành một hệ thống giao thông liên hoàn tạo lực đẩy cho phát triển cộng sinh trong giao thương hàng hóa, cung ứng nguồn nhân lực của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Đồng thời, thắt chặt mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa nhân dân 2 địa phương, nhất là nhân dân nơi các dự án đi qua. 

Đỗ Phương

Các tin khác
Lượt truy cập:
Trực tuyến:
CHÍNH QUYỀN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG NINH
Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân Tỉnh Quảng Ninh
Hỗ trợ:
Điện thoại: 1900.558.826
Email: chinhquyendientu@quangninh.gov.vn