DỊCH VỤ CÔNG


TÌNH HÌNH
XỬ LÝ


HỎI ĐÁP

TIN TỨC
Thúc đẩy hoạt động mô hình kinh tế tập thể

Thông qua liên kết sản xuất, thời gian qua, nhiều mô hình kinh tế tập thể trong tỉnh đã phát huy lợi thế sản xuất kinh doanh. Từ việc thành lập các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) đã thúc đẩy mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm nông nghiệp địa phương.

HTX Dịch vụ nông nghiệp ấp trứng và sản xuất con giống gia cầm Thắng Huệ (thị trấn Đầm Hà, huyện Đầm Hà) do anh Đinh Văn Thắng làm Giám đốc hiện có 7 thành viên, hoạt động trên cơ sở góp vốn ngày càng mở rộng quy mô chăn nuôi, đầu tư khoa học công nghệ và có thị trường tiêu thụ ổn định. Với tổng diện tích trên 3.000m2, HTX này đang nuôi 500 con gà râu, 500 con ngan sao, trung bình một ngày thu khoảng 500 trứng ngan và gà. Từ việc huy động vốn của các thành viên HTX cùng sự hỗ trợ tiếp cận vốn vay ưu đãi của hội nông dân, HTX này đã chủ động ứng dụng KHCN, nâng cao hiệu quả sản xuất. Với 4 máy ấp trứng tự đảo, công suất khoảng 1,5 vạn trứng/tuần, không chỉ đảm bảo sản xuất của HTX mà còn hỗ trợ tối đa cho thành viên và các hộ liên kết trên địa bàn huyện.

Anh Đinh Văn Thắng (đứng đầu) giới thiệu về mô hình nuôi ngan sao của HTX Dịch vụ nông nghiệp ấp trứng và sản xuất con giống gia cầm Thắng Huệ.

Với quy trình chăn nuôi khép kín từ con giống đến thương phẩm đảm bảo chất lượng, cuối năm 2023, sản phẩm thịt ngan sao của HTX này đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao, trung bình một năm xuất ra thị trường khoảng 15 tấn thịt ngan sao thương phẩm. Theo anh Đinh Văn Thắng, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp ấp trứng và sản xuất con giống gia cầm Thắng Huệ, thực hiện mô hình HTX có nhiều thuận lợi trong sản xuất đảm bảo quy trình khép kín, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô số lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Hoạt động theo hình thức HTX nhiều năm nay, HTX Sản xuất nông nghiệp Trường Giang (thôn Trại Dinh, xã Đầm Hà, huyện Đầm Hà) có 9 thành viên, quy mô 5ha, chủ yếu trồng rau màu đảm bảo chất lượng VietGAP. Cuối năm 2023, trên cơ sở thực hiện Đề án phát triển vùng cây ăn quả tập trung của huyện Đầm Hà, HTX chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị sản xuất trên diện tích đất nông nghiệp. Thông qua việc thực hiện mô hình đưa vào trồng thử nghiệm giống chanh leo phục vụ xuất khẩu thị trường châu Âu, HTX được huyện hỗ trợ 70% cây giống, trồng 3,5ha cây chanh leo. Hiện diện tích chanh leo của HTX sinh trưởng, phát triển tốt và bắt đầu cho trái. Diện tích chanh leo của HTX được trồng theo quy trình đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm và dự kiến sau 6 tháng có thể cho thu hoạch từ 600 -1.000 tấn quả/năm.

Với sự quan tâm của tỉnh từ hỗ trợ về chính sách đất đai, cơ sở hạ hầng, KHCN, vốn đến xúc tiến thương mại, đào tạo… số HTX, THT trên địa bàn tỉnh tăng nhanh và đạt nhiều kết quả tích cực trong sản xuất, kinh doanh. Hiện, toàn tỉnh có 667 HTX đang hoạt động hiệu quả với khoảng 44.377 thành viên, vốn điều lệ trên 1.263 tỷ đồng; có 210 THT và 3 liên hiệp HTX, trong đó lĩnh vực nông nghiệp chiếm 70%. Doanh thu bình quân mỗi HTX là 650 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân một thành viên, lao động HTX là 68 triệu đồng/năm. 

Mô hình chanh leo mới đưa vào trồng thử nghiệm của HTX sản xuất nông nghiệp Trường Giang đang sinh trưởng và phát triển tốt. 

Nhiều HTX quan tâm hỗ trợ cho thành viên HTX khi gặp khó khăn, đóng góp tích cực trong phát triển KT-XH, giảm nghèo, giải quyết việc làm cho lao động... Đặc biệt, chương trình OCOP đã tạo động lực phát triển sản phẩm chất lượng cao, tạo liên kết theo chuỗi trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nâng cao giá trị sản phẩm. Trong số 72 HTX tham gia chương trình OCOP của tỉnh, có 70 HTX nông nghiệp với 153 sản phẩm, trong đó 18 sản phẩm đạt 4 sao, 56 sản phẩm đạt 3 sao. Cùng với đó, hiện toàn tỉnh còn có 40 chuỗi liên kết với 26 HTX tham gia, trong đó, một số HTX đã liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo thị trường đầu ra ổn định.

Nhiều mô hình kinh tế theo hình thức HTX ngày càng phát triển mang lại hiệu quả kinh tế cao. 

Theo ông Mạc Đoàn Dũng, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, để tiếp tục tạo động lực cho khu vực kinh tế này phát triển, rất cần có những quy định, chính sách ưu đãi thu hút doanh nghiệp đầu tư, liên kết và trở thành thành viên của HTX. Từ đó, tạo điều kiện hình thành những mô hình liên kết chuỗi hiệu quả giữa nông dân - HTX - doanh nghiệp gắn với ứng dụng công nghệ cao. Các HTX, THT cần mở rộng sản xuất, tham gia sâu rộng hơn trong chuỗi liên kết giá trị sản phẩm. Các HTX cần liên kết với nhau, tăng cường điều tra, nghiên cứu nhu cầu thị trường; xây dựng chiến lược sản phẩm; liên kết với các trang thương mại điện tử có uy tín để quảng bá, tiến hành hình thức phân phối sản phẩm...

Mai Hương

Các tin khác
Lượt truy cập:
Trực tuyến:
CHÍNH QUYỀN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG NINH
Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân Tỉnh Quảng Ninh
Hỗ trợ:
Điện thoại: 1900.558.826
Email: chinhquyendientu@quangninh.gov.vn